Theo Ts tâm lý Mai Mỹ Hạnh, đa phần những kẻ có ý định xâm hại trẻ em lại thường là những người…đối xử tốt với trẻ và mọi người xung quanh.
Ths tâm lý Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng bộ môn tâm lý học – khoa tâm lý học trường Đại Học Sư Phạm TPHCM
Ths tâm lý Mai Mỹ Hạnh chia sẻ với cha mẹ những kiến thức dạy con nhận biết và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, ấu dâm
CÁCH NHẬN BIẾT KẺ ẤU DÂM
– Kẻ xâm hại có thể là BẤT CỨ AI – không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, nghề nghiệp
– Dưới góc độ tâm lý học, những người có ý định xấu về xâm hại thường luôn cố gắng sống chan hoà thân ái với mọi người xung quanh, thậm chí sự giao tiếp và đối xử của những người này với trẻ còn tốt hơn mức bình thường dù mới gặp 1,2 lần.
– Tạo niềm tin với đối tượng muốn xâm hại bằng những hình mẫu lý tưởng, những lời lẽ ngọt ngào, sự hứa hẹn hoặc những món quà có giá trị. Dần dần, những người này sẽ bắt đầu có những lời nói nhạy cảm liên quan đến cơ thể trẻ, dụ dỗ trẻ
– Những đối tượng thiếu thốn về mặt tình cảm, thường tỏ ra cô đơn, buồn chán chính là những người kẻ xấu dễ tấn công.
Ths tâm lý Mai Mỹ Hạnh hướng dẫn trẻ cách phòng vệ khi bị kẻ xấu xâm hại.
QUY TẮC “5 BÁO ĐỘNG” CHA MẸ CẦN DẠY CON
1. Báo động nghe
Người đó nói với con những từ ngữ liên quan đến vùng đồ lót
2. Báo động nhìn
Người đó nhìn vào vùng đồ lót của con hoặc dụ dỗ con nhìn vào vùng đồ lót của họ. Người đó cho con xem những sách báo, tranh ảnh có nội dung nhạy cảm, không lành mạnh.
3. Báo động chạm
Người đó đụng chạm, sờ mó vào vùng đồ lót của con và dụ dỗ con đụng chạm vào vùng đồ lót của họ.
4. Báo động một mình
Người đó thường xuất hiện khi con một mình hay lôi kéo con đến nơi vắng người.
5. Báo động ôm
Người đó có những cử chỉ gần gũi và cái ôm khiến con khó chịu.
CÁCH PHẢN ỨNG KHI CÓ NGUY CƠ BỊ XÂM HẠI
– Nói lời từ chối với vẻ mạnh mẽ, dứt khoát, giận dữ.
– Bỏ chạy đến nơi đông người.
“Thông thường khi kêu cứu, nạn nhân thường hay nói “Cứu con với, cứu con với”. Như vậy không hiệu quả. Khi chạy đi tìm người cứu, trẻ nên gọi đích danh đặc điểm một người nào đó. Ví dụ như “Chị áo cam ơi cứu em với, anh bảo vệ ơi cứu em với”….Khi kêu cứu như vậy, theo nghiên cứu tâm lý học, người đó sẽ cảm giác có trách nhiệm phải cứu trẻ hơn.”, Ths Mỹ Hạnh mách nước.
– Con cần mạnh dạn chia sẻ lại với người lớn, người tin tưởng như cha mẹ, thầy cô.
– Đôi khi trong những tình huống khẩn cấp, trẻ cần sử dụng hành động tấn công để thoát thân. 3 vị trí nguy hiểm trên cơ thể mà trẻ có thể tấn công là hai mắt, yết hầu và vùng kín của kẻ xấu.