Có thêm em bé, nhà thêm niềm vui nhưng nhiều bà mẹ cũng trăn trở xót xa: Làm thế nào để có thể quan tâm đều cho hai con.
Vừa qua, tài khoản facebook của chị Trang Bùi (sống tại Huế), có chia sẻ trong một hội dành cho các bà mẹ bỉm sữa với nội dung nói về con gái lớn của chị phải nằm ở ghế sofa dưới lầu chỉ để đợi mẹ ru em ngủ trước, kèm theo đó là hình ảnh em bé trùm chăn nằm lẻ loi một mình. Nội dung kèm hình ảnh nhận được sự quan tâm của nhiều bà mẹ. Đa số đều bày tỏ sự đồng cảm với chị Trang Bùi.
Hình ảnh con gái chị Trang Bùi nằm một mình đợi mẹ khiến nhiều người quan tâm.
Bé gái trong hình là Len (Lê Hồng Bảo Khánh), con gái chị Trang Bùi. Bé Len năm nay gần 6 tuổi, thời điểm mẹ có em gái là bé Sữa (Lê Hồng Bảo Khanh) thì Len đã lên 4 tuổi. Chị Trang kể: “Mặc dù khi ấy còn nhỏ nhưng Len rất biết thương mẹ và ngoan. Khi mẹ mang bầu em nghén đến tháng thứ 7 thì Len chính là người bưng chậu cho mẹ nôn ói.”
Cho đứa bé ngủ xong là phải quay sang đứa lớn liền
Khi chưa có em nhỏ, bé Len rất được bố mẹ cưng chiều và quan tâm. Tại Huế, Len cũng là một Vlogger được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Theo lời chị Trang thì Len là một cô bé rất ngoan và biết thương mẹ, thương em. Song không tránh khỏi tình trạng: “Khi mẹ ru em ngủ thì cô chị mở cửa thò đầu vào hỏi: Em ngủ chưa mẹ? Nghe mà não nề.”
Ru bé em ngủ xong là vợ chồng chị Trang ra ôm bé Len liền.
Vấn đề này được rất nhiều mẹ bỉm sữa đã có hơn hai con, đang chuẩn bị hay có ý định sinh bé thứ 2 quan tâm. Lướt một vòng các bình luận xoay quanh vấn đề này để thấy không chỉ có chị Trang Bùi đang ở trong trường hợp này mà đây còn là tình trạng chung của đại đa số các gia đình đã có hơn 2 con trở lên.
Cụ thể, chị Phuong Lien (Hà Nội) vừa mới sinh bé thứ hai vào tháng 11/2017 chia sẻ: “Mình mới sinh, bé chị thấy mẹ cho em bú, ngủ cũng ôm em, nó bảo: Thế mẹ không yêu con nữa à? Mẹ ôm con đi, con muốn ngủ cùng mẹ”.
Còn chị Thanh Diep Hoang thì lại kể: “Mình cũng đẻ dày, 9 năm ba đứa. Sinh đứa thứ hai thì đứa đầu mới được 18 tháng. Không biết gì cứ quấy mẹ dỗ em, thế là bố cho hai phát cứ khóc như mưa thôi. Làm mình thương quá. Giờ hai chị đã lớn, đứa lớp ba, đứa lớp một. Mình sinh thêm thằng cún. Mỗi lần mình dỗ con là bé yêu của mẹ, cục cưng của mẹ, mẹ yêu một cái, mẹ thơm một cái thì chị lớn nhìn với dáng vẻ đang thèm mẹ yêu như thế, chị hai thì vừa khóc vừa mắng, lâu lâu lại nói: Tại mày, tao mới ko được mẹ thương nữa.”
Ba mẹ con chị Trang Bùi.
Còn với trường hợp của con gái chị Nguyen Lieu thì lại rất thương, chị tâm sự: “Mình cũng mới sinh bé được gần 1 tuổi. Bé đầu gần 4 tuổi nhưng tối nhất quyết đòi ngủ chung với mẹ và em, không ngủ chung với ông bà. Hôm trước mọi người cứ chọc là có em rồi nên chị ra rìa. Thế là lúc không có người, chị hỏi ông nội: Ông nội ơi, mẹ có em rồi, không ai thương con hết hả? Nghe mà chảy nước mắt”.
“Em sinh tập 2 lúc trai đầu 20 tháng. E ngủ cùng cả đứa lớn lẫn bé và chồng. Dù vất vả hơn nhưng em muốn được ngủ cùng con em. Đến chính cả em cảm thấy tủi thân khi mà không được nằm gần con và ôm con như lúc trước ý ạ. Nên là cho đứa bé ngủ xong là em phải quay sang ôm hôn thằng lớn luôn chứ xa nó em không chịu được” – Chị Nghiem Hai thấu hiểu được cảm giác của con vì chính chị cũng không thể ngủ xa bé lớn chỉ vì có bé nhỏ được.
Có nên hay cho con lớn ngủ cùng với mẹ và em?
Bên cạnh những bình luận tỏ ra xót xa, thương cho bé lớn của chị Trang Trần và chia sẻ tình trạng của gia đình mình thì cũng có rất nhiều ý kiến bình luận xung quanh vấn đề: Có nên hay không nên cho con lớn ngủ cùng với mẹ và em?
Cụ thể chị Chu Quynh Ngan bày tỏ: “Ngủ cùng cả hai đứa đi em, hai bé nhà chị cách nhau 22 tháng, thấy bé lớn tội quá nên chị vẫn cho ngủ cùng. Không vì em mà anh bị bớt quan tâm đi được nhé. Tội con lắm em ạ.”
Chị Len rất biết yêu thương em Sữa.
Một ý kiến khác cho rằng nên tạo tính tự lập cho con từ bé để không phải rơi vào trường hợp này, chị Giang Phan bình luận: “Tập cho con tự lập sẽ tốt hơn cho con . Con mình không bao giờ ôm ngủ hay ngủ chung với mẹ cả. Từ lúc sinh ra mình cho bú rồi cho con ngủ riêng trên nôi trong phòng cùng mình. Chỉ bế lúc con đau hay khóc thôi . 1 tuổi cho ngủ phòng riêng, tối qua thăm con 5- 7 lần, đắp mềnh cho con. Bỏ bú thì thoa thuốc, mắc cở vậy là đuổi mẹ không cho vào phòng để 3 chị em ngủ chung giường tới sáng chẳng khóc la tiếng nào.”
Với một cách giải quyết thông minh khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh nói rằng: “Mình ru ngủ là lùa cả 2 vào, mỗi đứa nằm 1 bên. Xong rồi chúng nó leo lên người nghịch qua nghịch lại, hú qua hú lại một lúc bị mẹ bắt 2 đứa nằm xuống hai bên. Lăn qua lăn lại một lúc là ngủ. Thời đầu chắc mất cả tiếng 2 đứa mới ngủ. Giờ thì chỉ tầm 20 – 30 phút thôi.”
Chị Trang Bùi cố gắng không để con mình tủi thân.
Hầu hết các gia đình đều muốn sinh 2 – 3 con để con các con của mình có chị có em, có người để bầu bạn sao này. Nhưng trong số đó, ít cặp bố mẹ lại có thể khéo léo quan tâm, chăm sóc bé nhỏ mà vẫn để tâm, không làm cho bé lớn cảm thấy bị tủi thân hay có suy nghĩ “Có em thì mẹ không thương mình nữa”.
Điều này vô tình sẽ gây một số hậu quả như khiến bé lớn cảm thấy ganh ghét, đố kỵ với em hoặc nếu không quan tâm đúng cách thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con. Con nào thì cũng là con, nhìn đứa lớn nhà mình như thế, liệu có bố mẹ nào mà không xót xa cho được.
Gia đình nhỏ của chị Trang Bùi.
Trường hợp của mẹ Trang Bùi và một số mẹ khác trên đây chưa phải là tất cả. Có thể đã có nhiều bé Len đã từng nằm trên ghế sofa hay đứng ngoài cửa đợi mẹ chăm em xong sẽ đến lượt mình.
Dĩ nhiên không ông bố bà mẹ nào muốn điều đó xảy ra. Song sau tất cả, hai chị em sáp lại với nhau vẫn vui vẻ cười đùa như chưa có chuyện gì xảy ra, sẵn sàng nhường nhịn cho nhau cũng khiến các bậc cha mẹ ấm lòng.