Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội đặc sắc của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã không tiếc máu xương, hi sinh để gìn giữ, bảo vệ giang sơn đất nước.
Sự kiện diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô và các tỉnh thành lân cận, sự tham gia của đông đảo đồng bào, du khách có mặt tại đây.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng: Việc tái hiện các lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em đã được thực hiện thành công trong nhiều năm qua với sự hưởng ứng nhiệt tình, sự phối hợp có hiệu quả của các địa phương và do chính các chủ thể văn hóa trực tiếp thể hiện. Đây là hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chính sách đại đoàn kết các dân tộc…
Ban tổ chức hi vọng, hoạt động tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa kết hợp với hội Bài chòi là một trong những hoạt động ý nghĩa, được tổ chức thành công, xứng đang với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự chuẩn bị nhiệt tình công phu của đoàn và sự mong đợi của đại biểu và du khách.
Lễ khao lễ thế lính Hoàng Sa do đoàn bô lão và ngư dân huyện Lý Sơn, huyện Bình Sơn vượt qua hơn 1.000km đến với “Làng” thực hiện tái hiện nghi lễ này.
Ông Võ Hiển Đạt, đại diện cho các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: Nhân dân Lý Sơn rất vui mừng và biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến công lao của các bậc tiền nhân đi Hoàng Sa – Trường Sa, đã hỗ trợ phục dựng lại đình làng An Vĩnh để thờ các Cai đội và binh phu Hoàng Sa, xây dựng tượng đài và nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, xây dựng mộ cho các vị cai đội, chánh đội trưởng Hoàng Sa ở Lý Sơn và hỗ trợ tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để cho nhân dân trong tỉnh và cả nước biết và về công lao của tổ tiên chúng tôi và về đảo Lý Sơn.
Ông Đạt cũng khẳng định, vì tổ tiên của chúng ta, vì sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, nhân dân Lý Sơn nói riêng và nhân dân Quảng Ngãi cũng như cả nước nói chung, hôm nay quyết tâm giữ gìn truyền thống quê hương và những di sản văn hóa quý báu liên quan đến Đội Hoàng Sa – Trường Sa cho con cháu hôm nay và mai sau. Càng tự hào về công lao của tổ tiên, nhân dân Lý Sơn hôm nay còn có trách nhiệm ra sức lao động sản xuất, đánh bắt hải sản để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay tại huyện đảo Lý Sơn đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn là ngày hội của những người dân miền ven biển cả nước. Đây cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ cha ông ngày trước đã không tiếc máu xương để bảo vệ biển, đảo của quê hương.
Phần tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với các nội dung: Phần lễ gồm có hát múa bả trạo hầu thần, tái hiện lễ chánh tế khao lề thế lính, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng và cuối cùng là phần hội chơi Bài chòi.
Phần Lễ chánh tế khao lề thế lính do các bô lão, thầy pháp thực hiện nghi lễ, gồm các phần nghi thức: Lễ yết, Lễ tế chánh điện, Lễ tế ngoại đàn, Lễ thế lính, Lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng… Lễ vật gồm có linh vị, thuyền khao lề, heo, gà, xôi, hương, hoa quả… Thầy pháp sư cùng với các vị bô lão thực hiện lễ cáo các vị tiền hiền, cúng giỗ cho những người không trở về và nguyện cầu chư vị tiền hiền chở che cho những người đi được bình an, sóng yên biển lặng.
Sau khi thực hiện cúng tế xong, bô lão bắt đầu hô vào lễ rước thuyền đi ra hồ thực hiện Lễ thả thuyền lễ và hình nhân thế mạng với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa. Phần lễ kết thúc, phần hội bắt đầu với hội Bài chòi cùng với các nghệ nhân Quảng Ngãi.
Đây là trò chơi nghệ thuật dân gian ra đời từ rất lâu ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Bài Chòi thường được chơi vào những ngày đầu xuân tại các đình làng hoặc trong dịp lễ hội. Theo anh Nguyễn Văn Thu, (thôn Tiết Diêm 2, xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi) – phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hát múa Bài chòi cho biết: Chơi Bài chòi không phải vì tính ăn thua thắng cược mà là để tìm về sự thanh thản, vui vẻ, được nghe những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo câu hò điệu hát mộc mạc dân dã, đồng thời cũng muốn tìm được sự may mắn trong cuộc chơi Bài chòi.
Gần đây, Bài chòi không chỉ được khôi phục lại và được người dân từ già đến trẻ đón nhận một cách tự nhiên như nhu cầu cơm ăn, nước uống hàng ngày sau mỗi lần đi biển về, trăng lên là người dân lại tập trung trong xóm, làng để cùng nhau hát ca quên đi những mệt mỏi, vất vả cuộc sống và ngày mai lại tiếp tục giăng buồm ra khơi…
Chơi hội Bài chòi đã thu hút sự tham gia của các du khách, nhân dân tham gia, được cầm những quân bài trong tay và lắng nghe điệu hát, lời ca dí dỏm của những người chủ trò. Thực sự thích thú và xúc động, bà Ngô Thị Lan đến từ Thị xã Sơn Tây cho biết: Tôi theo dõi Lễ hội từ đầu đến cuối, được tham gia chơi Bà chòi, một trò chơi truyền thống của người dân Quảng Ngãi, cụ thể là đảo Lý Sơn, tôi thực sự vô cùng xúc động và may mắn, lễ hội ý nghĩa, còn lời ca thì mộc mạc, giản dị nhưng đầy tình cảm giống như con người Quảng Ngãi rất gần gũi, hài hước như tôi đã tiếp xúc, trò chuyện qua lễ hội này.