Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, WHO vừa đưa ra đánh giá và nhận định về các dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi của virus cúm.
Kể từ khi có các phương pháp hiện đại để phát hiện vi rút, người ta đã xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng vi rút cúm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi. Sự đa dạng này chưa từng được ghi nhận trước đó. Đây là một trong những đặc điểm mà thế giới cần phải quan tâm.
Phân tuyp virus H5 và H7 cần được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bênh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của nông dân.
WHO cảnh báo, sự thay đổi của chủng vi rút cúm có thể gây nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới
Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân tuýp virus H5 và H7 ở chim liên quan đến 7 loại vi rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng vi rút mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua. Một số các dịch bệnh được thông báo cho OIE chỉ có liên quan tới chim hoang dã. Các thông báo này là kết quả của việc tăng cường giám sát và khả năng chẩn đoán, phát hiện vi rút trong phòng xét nghiệm sau những vụ dịch lớn của virus gia cầm H5N1 khởi đầu ở châu Á vào cuối năm 2003.
WHO nhấn mạnh, vi rút H5 đang là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người hiện nay.
Vi rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Dịch bệnh vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1/2015, đã ghi nhận 777 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp tử vong (chiếm 55,1%).
Trong hai năm qua, đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả chủng này hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Trong 4 tháng qua, đã ghi nhận 02 trường hợp mắc H9N2 xảy ra ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus cúm H5N6 đầu tiên và tử vong vào tháng 4/2014. Trường hợp tiếp theo được ghi nhận vào tháng 12/2014. Trường hợp thứ ba được ghi nhận vào ngày 9/02/2015 và đã tử vong.
Các nhà virus học giải thích sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các virus cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới.
Sự xuất hiện của rất nhiều virus mới đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Từ tháng 11/2014 đến nay, Ai Cập bắt đầu ghi nhận sự gia tăng đột biến về số mắc cúm A.H5N1- đây là điều đáng quan tâm với 105 ca mắc và 35 người tử vong. Số lượng các ca bệnh trong giai đoạn này được ghi nhận lớn hơn tổng các trường hợp được ghi nhận trong mỗi năm ở tất cả các quốc gia.
WHO đưa ra cảnh báo, khả năng bảo vệ của vắc xin phòng cúm mùa bị giảm.
Kể từ tháng 02/2014, các đặc điểm về kháng nguyên và kháng thể của virus H3N2 thay đổi đáng kể, đây là các virus cúm mùa lưu hành chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Sự thay đổi này cho phép hầu hết các virus lưu hành trong mùa cúm có thể làm cho vắc xin cúm mùa không có khả năng bảo vệ chống lại virus đã thay đổi này.
Mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm. WHO cho biết, không thể dự đoán trước được gì về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng vi rút gây đại dịch