TP.HCM vào đầu mùa mưa, gia tăng hiểm họa sốt xuất huyết
“Nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết (SXH) vào mùa mưa năm nay là rất lớn. Do vậy mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống SXH với những hành động đơn giản, thiết thực nhằm “không có lăng quăng, không có SXH”…” – PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhắn nhủ như vậy khi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về căn bệnh năm nào cũng có người tử vong, căn bệnh “cũ mà mới” này.
Xâm nhập type virus DENV-3
|
Thưa ông, tình hình mắc bệnh SXH từ đầu năm 2015 đến nay ở khu vực phía Nam như thế nào? Có type virus nào nổi trội không?
PGS-TS Phan Trọng Lân: SXH là bệnh theo chu kỳ. Năm 2014 là năm có số ca mắc SXH thấp nhất kể từ 2002 đến nay, do vậy năm nay số ca mắc SXH sẽ cao hơn năm 2014. Thực tế tính từ đầu năm 2015 đến nay cho thấy số ca mắc SXH của toàn khu vực phía Nam tăng 26% so với cùng kỳ 2014. Tính trong cả nước, năm tháng đầu năm 2015 đã có hơn 10.000 ca mắc. Tại TP.HCM, năm tháng đầu năm cũng đã có gần 4.200 ca, tăng 27% so với cùng kỳ và tử vong hai ca.
Cũng qua công tác kiểm soát bệnh SXH ở khu vực phía Nam cho thấy trong bốn type virus SXH (Dengue) đang cùng lưu hành thì DENV-1 vẫn là type nổi trội kể từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, đã có hiện tượng xâm nhập và lây lan của DENV-3, type virus gây dịch tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014.
Bên cạnh đó, khu vực phía Nam cũng đang bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của bệnh SXH nên dự báo trong những tháng tới số ca mắc SXH của khu vực sẽ tăng nếu chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp can thiệp, giảm lăng quăng, muỗi truyền bệnh.
Thời gian qua lại có sự dịch chuyển SXH từ trẻ em sang người lớn, nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Tỉ lệ bệnh SXH ở người lớn đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và sự gia tăng này diễn ra chủ yếu tại các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Trước năm 2007, tỉ lệ SXH người lớn chỉ dao động trong khoảng 18% đến 33% số ca mắc SXH toàn khu vực, đến nay tỉ lệ bệnh SXH người lớn đã chiếm 43% tổng số mắc SXH toàn khu vực. Còn phân tích riêng những tỉnh, thành có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao thì tỉ lệ SXH người lớn giai đoạn trước năm 2007 cao nhất là 35%, đến nay thì tỉ lệ này đạt cao nhất là 54%. Nguyên nhân có thể do sự gia tăng lực lượng lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy… nên làm tăng số người bị SXH do họ chưa từng mắc bệnh SXH trước đó.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể bệnh SXH nặng ở trẻ em vẫn chiếm đa số và tỉ lệ tử vong theo nhóm tuổi cũng tập trung ở trẻ dưới 15 tuổi.
Diệt được muỗi sẽ diệt được SXH, tuy nhiên những ổ nuôi muỗi như thế này còn rất dễ gặp ở nhiều nơi trong TP.HCM. Trong ảnh: Điểm vá vỏ xe ô tô dọc quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) chứa đầy nước (ảnh 1: TÙNG SƠN) và rác đầy dưới chân cầu Cống số 7 (giáp ranh hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi (ảnh 2: TRẦN NGỌC)
Vaccine SXH: Chờ đến hết năm 2017?
Đây là căn bệnh không mới và mỗi năm đều có tuyên truyền phòng, chống dịch nhưng rồi dịch vẫn xảy ra, tại sao vậy thưa ông?
Bệnh sẽ được kiểm soát nếu khi chúng ta có biện pháp can thiệp đồng bộ trên cả ba yếu tố: Điều trị triệt để người bệnh để giảm thiểu nguồn phát tán virus; diệt lăng quăng và muỗi hiệu quả để giảm thiểu khả năng phát tán virus và chủng ngừa cho người khỏe mạnh để bảo vệ họ không bị nhiễm virus. Bệnh chỉ dừng khi một trong ba mắt xích kể trên được kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine để dự phòng cho người khỏe mạnh, do vậy khi muỗi và lăng quăng không được kiểm soát hiệu quả thì số mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng.
Đến nay chương trình sản xuất và thử nghiệm vaccine ngừa SXH đang thực hiện đến đâu, khi nào thì đưa vaccine vào sử dụng?
Hiện nay trên thế giới có bốn công ty đang nghiên cứu vaccine ngừa bệnh SXH. Trong đó, nghiên cứu của Công ty Sanofi Pasteur đã chuyển sang giai đoạn 3 là đánh giá hiệu quả. Từ năm 2011 Việt Nam cùng chín quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ La Tinh cùng tham gia vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của vaccine do Sanofi Pasteur sản xuất và dự kiến đến năm 2017 sẽ kết thúc. Khi nghiên cứu kết thúc và vaccine được đánh giá có hiệu quả, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên được hưởng lợi từ việc này.
Xin cám ơn ông.
Phòng, chống còn khó do người dân chưa hợp tác Chiều 12-6, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức thông tin ngày ASEAN phòng, chống SXH (15-6) với chủ đề “Cộng đồng cùng hành động phòng, chống SXH”. Theo đó vào sáng Chủ nhật 14-6, Bộ Y tế sẽ tổ chức mít-tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH tại quận 7. Sau lễ mít-tinh, xe đặc nhiệm phòng, chống SXH do Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và Sanofi Pasteur tổ chức di chuyển đến tám tỉnh, thành có nguy cơ về SXH để tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia các hoạt động diệt lăng quăng. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho rằng thời gian tới SXH tiếp tục có diễn biến phức tạp. Mặt khác, công tác phòng, chống SXH còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hợp tác, còn để nhiều vật làm phát sinh muỗi khiến dịch kéo dài dai dẳng. “Nếu không quyết liệt phòng, chống thì dịch sẽ bùng phát, nhất là vào mùa mưa” – ông Phu nói. |