Bé con của mẹ tuần này ra sao?
Tuần thứ 8 bắt đầu cũng là lúc những ngón tay và chân bé phát triển ra từ các chi. Mí mắt của bé dường như đã che phủ toàn bộ phần mắt. Ống thở đã mở rộng từ thanh quản xuống đến các nhánh của phổi. Các tế bào thần kinh cũng đã bắt đầu “đâm chồi” để liên kết với các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó hệ thần kinh sơ khai hình thành. Lúc này, mẹ có thể rất tò mò để biết liệu rằng mình đang mang một “nàng công chúa” hay một “chàng hoàng tử”, nhưng cơ quan sinh dục vẫn chưa phát triển đầy đủ để kết luận về giới tính của bé đâu.
Mẹ có cảm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cơ thể mình?
Vòng ngực đang dần dần căng lên khiến mẹ phải mua áo ngực mới với kích thước to hơn. Sự tăng lượng hoóc-môn trong cơ thể làm cho máu lưu thông đến ngực nhiều hơn cùng với sự thay đổi các mô, tế bào khiến ngực to, căng cứng và nhạy cảm hơn. Tất cả những thay đổi đó là những bước chuẩn bị cơ bản cho sự tiết sữa của mẹ.
Lượng hoóc-môn trong cơ thể mẹ thay đổi, đặc biệt là sự tăng lên đáng kể của progesterone có thể là “thủ phạm” khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thậm chí mất ngủ triền miên. Riêng chuyện đi tiểu nhiều cũng gây cho mẹ bầu không ít phiền toái.
Tư vấn cho mẹ!
Bác sĩ sẽ gợi ý cho mẹ rất nhiều các xét nghiệm khác nhau để kiểm tra thai nghén. Một vài xét nghiệm chỉ đơn giản là kiểm tra máu nhưng có những xét nghiệm phức tạp hơn, chẳng hạn như các xét nghiệm sàng lọc. Vì thế mẹ cần cân nhắc và sáng suốt lựa chọn những bài kiểm tra phù hợp.
Xét nghiệm kiểm tra quý một
Sử dụng phương pháp siêu âm hiện đại, các bác sĩ có thể đo lường được khoảng cách rõ ràng giữa các mô phát triển ở phần gáy của bé và lượng protein trong cơ thể. Việc kiểm tra này giúp phát hiện những hội chứng bệnh Down và một vài triệu chứng nguy hiểm khác nữa.
Lấy mẫu sinh thiết nhau thai (CVS): Xét nghiệm chẩn đoán này liên quan đến việc thu thập tế bào từ nhau thai và sau đó phân tích gen. CVS có thể xác định được liệu có bất kì bất thường gì về các nhiễm sắc thể và các rối loạn di truyền khác hay không.
Tuần này mẹ nên làm gì
Những triệu chứng thai nghén khó chịu vẫn chỉ như mới bắt đầu, và mẹ còn cả tháng (hoặc thậm chí là hơn) mới vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để đối phó với những cơn buồn nôn, mệt mỏi,… mẹ hãy tham khảo tại đây nhé! Đừng quên nhẹ nhàng nhắc các ông bố không quên nhiệm vụ chăm sóc vợ bầu của mình nha. Tuần này, mẹ cũng có khá nhiều việc cần làm và đừng quên ăn uống đúng cách để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con.