Phương pháp đẻ không đau – gây tê ngoài màng cứng được sử dụng khá phổ biến trong quá trình chuyển dạ giúp mẹ bầu đỡ bị đau và sinh nở dễ dàng hơn.
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng này được sử dụng lần đầu tiên vào đầu những năm 1990. Nhưng phải tới 70 năm sau đó, thủ thuật này mới trở nên phổ biến và được các mẹ bầu chọn lựa nhiều.
Không thể phủ nhận những ưu điểm của thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những nhược điểm nhất định. Ngoài ra nếu gây tê màng cứng không đúng thời điểm sẽ khiến cơn chuyển dạ kéo dài hơn, thậm chí dẫn đến những ca sinh khó.
Tìm hiểu về thủ thuật này, cùng những ưu nhược điểm của nó sẽ giúp mẹ bầu có được lựa chọn sáng suốt nhất cho ca sinh nở sắp tới của mình.
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau khi sinh bằng cách tác động vào các dây thần kinh chi phối cảm giác đau ở lưng dưới. Thủ thuật này chỉ gây tê cục bộ, giúp sản phụ giảm đau khi chuyển dạ chứ không làm tê liệt các cơ khác.
Trong quá trình sinh nở, cơ thể sản phụ tự sản xuất ra hormone oxytocin kích thích các cơn co chuyển dạ. Cơn co càng dài và càng mạnh nghĩa là lượng hormone oxytocin được sản xuất nhiều. Khi được gây tê ngoài màng cứng, các cơn co này sẽ giảm đi hoặc giữ nguyên chứ không tăng cường độ. Ngoài ra lượng hormone oxytocin tiết ra khi rặn đẻ cũng giảm nếu mẹ được gây tê ngoài màng cứng.
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện như thế nào?
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bởi các chuyên gia gây tê. Khi gây tê, sản phụ nằm nghiêng bên trái co người lại và cong lưng, hoặc ngồi cong lưng.
Sản phụ được yêu cầu giữ nguyên tư thế, chuyên gia gây tê sẽ cắm mũi tiêm vào giữa hai đốt sống lưng. Sau đó chuyên gia gây tê cắm thêm một chiếc kim khác nhỏ hơn vào bên trong chiếc kim đầu tiên để tiêm thuốc gây tê vào màng cứng. Tiếp tục, chuyên gia đặt một ống nhựa nhỏ vào qua kim tiêm, và rút kim tiêm ra. Chuyên gia đặt một túi dịch nối với ống thông đã dán sẵn trên lưng, và đặt ở chế độ chảy liên tục. Lượng thuốc có thể thay đổi tùy tình trạng của sản phụ.
Những ai có thể lựa chọn thủ thuật này?
Những mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh và không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe đều có thể lựa chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng để cuộc sinh nở dễ dàng hơn, đỡ bị mất sức. Tuy nhiên trước khi quyết định sử dụng kỹ thuật này, mẹ bầu cần tìm hiểu những ưu – nhược điểm và cân nhắc kỹ rồi mới lựa chọn.
Ưu điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng:
– Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau hiệu quả, nhất là trong trường hợp cơn chuyển dạ kéo dài, mẹ bầu bị kiệt sức.
– Đây là phương pháp gây tê cục bộ nên mẹ vẫn tỉnh táo và biết được những gì đang xảy ra.
– Trường hợp mẹ bầu phải chuyển mổ đẻ cấp cứu, thuốc gây tê vẫn có tác dụng.
– Giảm đau hiệu quả nên mẹ bầu đỡ mất sức, có thể thoải mái chuẩn bị cho cơn rặn đẻ sắp tới.
Nhược điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng:
– Mẹ bầu có thể vẫn cảm thấy các cơn đau.
– Mẹ bầu có thể bị tụt huyết áp.
– Mẹ bầu buộc phải giữ nguyên một tư thế, khiến cơn chuyển dạ có thể kéo dài hơn bình thường hoặc không xuất hiện cơn co, buộc phải tiêm oxytocin kích thích cơn co.
– Sau sinh sản phụ có thể bị đau lưng, đau đầu, sốt, buồn nôn, chóng mặt.
– Thai nhi có thể không tìm được vị trí tốt nhất để chào đời, tăng nguy cơ phải đẻ mổ.
– Sản phụ có nguy cơ bị tổn thương sàn chậu.
– Sản phụ không thể tự đi lại sau vài giờ sau sinh.