Từ tuần thứ 36, bé tăng cân đều đặn khoảng gần 30gr mỗi ngày và đã nặng 2,7kg, dài hơn 47cm – chiếm gần hết không gian trong bụng mẹ. Những tuần cuối cùng của thai kì này, bé vẫn đang “gấp rút” hoàn thiện mỗi ngày và thai nhi 37 tuần đã lớn như thế nào, mẹ tiếp tục theo dõi nhé!
Sự phát triển của thai nhi 37 tuần tuổi
Bước sang tuần thứ 37 của chu kì mang thai, mẹ đã tiến rất gần đến ngày trở dạ nhưng bác sĩ vẫn chưa coi đó là “đủ tháng đủ ngày” cho đến khi con yêu của mẹ tròn 39 tuần tuổi. 2 tuần tiếp theo nằm trong bụng mẹ giúp não con phát triển đầy đủ hơn và phổi trưởng thành hơn. Vì thế, nếu mẹ đã có kế hoạch đẻ mổ thì các bác sĩ cũng sẽ không thực hiện ca mổ trước tuần 39 nếu không tìm thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào của thai nhi.
Thai nhi 37 tuần tuổi.
Con yêu tuần này đã nặng 2,8kg và dài hơn 48cm. Nhiều bé khi sinh ra tóc đã dày và lọn tóc dài từ 1,5 đến 4cm. Mẹ đừng quá ngạc nhiên nếu tóc của con không giống màu tóc của mẹ mà lưa thưa những sợi tóc vàng hoặc đỏ nhé!
Thai nhi 37 tuần tuổi – cơ thể mẹ sẽ thay đổi ra sao?
Những lần chuyển dạ giả có thể diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn khiến mẹ cảm thấy cực kì khó chịu. Mẹ có nhận thấy cơ thể mẹ đang gia tăng tiết dịch âm đạo? Mẹ có thấy chất thải có lẫn một chút máu? Nếu như vậy, cơn co dạ con sẽ đến trong một vài ngày tới thôi. Nếu mẹ ra nhiều đốm máu to hơn hoặc chảy máu, hãy gọi cho bác sĩ ngay mẹ nhé!
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng mẹ đã trao đổi với bác sĩ về kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn chưa được cập nhật trong sổ khám chữa bệnh của mẹ, hãy nói với y tá về vấn đề của mẹ nếu mẹ cần phải uống thuốc kháng sinh trong khi chuyển dạ.
Giai đoạn cuối này là thời gian “thử thách” nhất khi mẹ thấy chưa bao giờ đi ngủ lại trở nên khó khăn như thế. Nếu có thể, hãy tranh thủ ngủ một chút vào ban ngày khi mẹ cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi. Thêm nữa, mẹ cần theo dõi những di chuyển của con trong bụng và thông báo ngay cho bác sĩ nếu con yêu đạp ít đi. Mặc dù con yêu giờ đây đang ở trong môi trường rất chật chội nhưng con vẫn cần phải “quậy phá” mẹ như trước để đảm bảo cho quá trình phát triển.
Thai nhi 37 tuần tuổi, mẹ bắt đầu có dấu hiệu “tụt bụng” rồi.
Trong khi ngủ, mẹ có thể gặp ác mộng và điều đó chẳng có gì lạ cả, đó dường như là kết quả của sự lo lắng quá mức về chuyển dạ, sinh con, về thiên chức làm mẹ,…
Dấu hiệu cho thấy mẹ đã trở dạ!
Thật khó có thể dự đoán được khi nào thì mẹ sẽ sinh con ra. Thực tế, cơ thể mẹ đã bắt đầu chuẩn bị cho quá trình sinh con 1 tháng trước ngày sinh nở. Nhưng mẹ có thể chú ý thấy một vài dấu hiệu khi ngày trở dạ sắp đến gần như:
• Bé con như đang “tụt” dần xuống: Nếu đây là lần mang thai đầu tiên của mẹ, một vài tuần trước khi cơn trở dạ bắt đầu, mẹ có thể cảm thấy triệu chứng gọi là “sa bụng”. Mẹ sẽ thấy áp lực tăng lên ở vùng xương chậu và cả dưới lồng ngực nữa.
• Mẹ cũng nhận thấy sự gia tăng của những lần chuyển dạ giả, chúng trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn có thể là dấu hiệu sắp đến ngày lâm bồn của mẹ.
• Mẹ có thể ra nhiều dịch nhầy hơn. Dịch nhầy đó có thể lẫn chút máu.
• Vỡ ối: một vài bà mẹ bắt đầu trở dạ trước khi nước ối vỡ ra nhưng cũng trong một số trường hợp thì nước ối sẽ vỡ trước khi mẹ gặp những cơn đau co thắt.
Làm thế nào để phân biệt những lần chuyển dạ “giả” và “thật”
• Những cơn chuyển dạ giả thường rất khó nắm bắt. Những cơn co thắt này thường đến bất thình lình và không ổn định về thời gian và cường độ. Mặc dù sự trở dạ thật sự cũng đến bất chợt và khó nắm bắt lúc đầu tiên nhưng sau đó sẽ đến đều đặn và nhanh hơn, mức độ mãnh liệt hơn.
• Những cơn co thắt giả thường tập trung gây đau ở phần bụng dưới trong khi những cơn co thắt báo hiệu mẹ lâm bồn thật sự thường bắt đầu ở lưng dưới và lan ra xung quanh vùng bụng của mẹ.
• Những cơn co thắt giả thường mất đi khi mẹ thay đổi vị trí hay tư thế ngồi, còn sự đau đớn do co thắt khi chuyển dạ thường kéo dài dai dẳng ngay cả khi mẹ chuyển vị trí hay thay đổi tư thế.
Vậy là mẹ đã đi gần hết quá trình mang thai rồi, chỉ còn 1 – 2 tuần nữa là đến ngày lâm bồn thôi. Hãy tiếp tục theo dõi xem thai nhi 38 tuần tuổi phát triển như thế nào trong bài tiếp theo, mẹ nhé!