Thai nhi 13 tuần tuổi mới nhỏ xíu như một quả đào nhưng đã có dấu vân tay rồi đấy mẹ. Đây được coi như tấm “thẻ căn cước” đầu tiên của bé – khẳng định bản thân con là duy nhất. Mẹ xem tuần này con phát triển mạnh mẽ như thế nào nhé!
Thai nhi 13 tuần tuổi – Bé phát triển ra sao?
Bé cưng tuần này dài khoảng 7,6cm và đạt trọng lượng trung bình 28gr. Lớp da của con trong suốt nên có thể thấy rõ các tĩnh mạch, các cơ quan nội tạng bên trong. Cơ thể bé được bao bọc bởi một lớp lông tơ mịn phủ kín người.
Mặc dù thai nhi còn nhỏ xíu như vậy nhưng hiện tại ruột con đang di chuyển từ dây rốn vào bên trong bụng. Dấu vân tay hình thành trên những ngón tay tí hon và dần trở nên rõ ràng hơn vào những tuần sau. Mẹ biết không, nếu là bé gái thì tuần này con đã có hơn 2 triệu quả trứng hình thành trong buồng trứng rồi đó! Không chỉ vậy, răng và dây thanh quản của thai nhi cũng bắt đầu xuất hiện từ tuần này.
Những thay đổi trên cơ thể mẹ
Khi thai nhi bước sang tuần tuổi thứ 13 cũng là lúc mẹ và bé bước qua thai kì thứ nhất. Tất cả những mệt mỏi, tình trạng nôn ói vì nghén ngẩm, nỗi lo lắng sảy thai, động thai,… sẽ giảm dần đi mỗi ngày. Mẹ cảm nhận được sự hiện diện của con nhiều hơn.
Vào những tuần tới, năng lượng của mẹ sẽ trở lại nên cuộc sống dường như tràn đầy sức sống hơn. Hãy tận hưởng thai kì giữa – thai kì tuyệt nhất trong hành trình mang thai – khi những mệt mỏi qua đi, những cảm xúc mới mẻ kéo đến mỗi ngày; nhất là khi cơ thể chưa quá nặng nề và… những ham muốn tình dục trở lại khiến cuộc sống trở nên thi vị hơn.
Dù thai nhi mới 13 tuần tuổi nhưng cơ thể mẹ lúc này đã sẵn sàng sản xuất sữa non cho cữ bú đầu tiên của bé sau sinh.
Thai nhi 13 tuần tuổi – mẹ nên làm gì?
– Sẵn sàng tăng cân: Nếu như 3 tháng đầu tiên mẹ tăng cân rất ít, thậm chí có mẹ nghén nặng còn bị giảm cân thì sang đến giai đoạn thứ 2 của thai kì cân nặng sẽ tăng dần dần và nhiều hơn. Hãy ăn uống sao cho thật đầy đủ rau xanh, thịt, trái cây và sữa,…. để cung cấp thật nhiều dinh dưỡng cho em bé. Nhưng mẹ nhớ nhé, nhiều dinh dưỡng không có nghĩa là nhiều năng lượng, vì lúc này cơ thể vẫn chỉ cần khoảng 300calo mỗi ngày thôi. Tăng cân quá nhiều, quá nhanh có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi, vì vậy hãy điều chỉnh chế độ ăn thật hợp lý!
– Chú ý các chất dinh dưỡng quan trọng: Để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh và nhất là giúp bé cưng trong bụng phát triển tốt nhất, ngoài việc bổ sung đa dạng dinh dưỡng mẹ cần đặc biệt tập trung đến một số dưỡng chất quan trọng:
+ Sắt: Hầu hết phụ nữ mang thai đều dễ bị thiếu máu do thiếu sắt, vì thế hãy đảm bảo hấp thụ khoảng 27mg mỗi ngày bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như: Thịt nạc, thịt bò, các loại đậu, rau xanh đậm,… Nếu vẫn không cung cấp đủ, mẹ có thể uống viên sắt bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
+ Protein: Nhu cầu protein ở bà bầu giai đoạn thứ 2 của thai kì là 71gr/ngày. Mẹ có thể bổ sung thêm từ thịt, trứng, đậu nành và các loại đậu khác, quả hạch, hải sản (đặc biệt là cá) – tuy nhiên cần tránh các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá kình, cá kiếm,…
+ Canxi: 1000mg mỗi ngày là lượng canxi cần thiết mà các bà bầu cần bổ sung. Canxi chứa rất nhiều trong sữa, đậu nành, hải sản, rau củ,… – dưỡng chất này đặc biệt quan trọng với sự hình thành, phát triển xương, răng của thai nhi đồng thời bảo vệ sức khỏe cho bà bầu.
Ngoài ra, vitamin và các dưỡng chất khác cũng quan trọng không kém để duy trì, bảo vệ sự hoạt động của cơ thể mẹ và thai nhi, vì thế mẹ cố gắng ăn uống thật đa dạng thực phẩm nhé!
Thai nhi 13 tuần tuổi cũng là lúc mẹ bầu và ông xã bắt đầu vạch ra các kế hoạch ngắn cũng như dài hạn về việc chăm sóc thai kì, nuôi nấng và dạy dỗ con sau này. Vấn đề tài chính, thời gian, công việc,… phải luôn luôn chủ động bởi sinh nở và nuôi dạy con là một quá trình rất dài và gian nan, không tránh khỏi những lúc gặp biến cố. Tốt nhất, ngay từ bây giờ bố và mẹ bé hãy thống nhất việc mua sắm, chi tiêu, khám sức khỏe, các kế hoạch tiết kiệm, chuẩn bị người hỗ trợ chăm sóc,… Hãy nhớ rằng càng chuẩn bị sớm và càng chủ động thì hành trình chăm con sau này càng đỡ vất vả hơn.