Ngày nay, điện thoại thông minh đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều trẻ nhỏ. Các món quà đặc biệt của trẻ là những chiếc điện thoại, máy tính bảng để chơi game cả ngày không biết chán. Rất nhiều bé phải có điện thoại chơi game mới chịu ăn cơm, máy tính bảng nghịch ngợm mới chịu nín khóc. Các bậc phụ huynh nhờ thế cũng có thêm nhiều thời gian riêng cho công việc và việc nhà vì con cái ngoan ngoãn bên màn hình điện thoại và máy tính. Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều ông bố bà mẹ đặt ra gần đây là cho trẻ dùng điện thoại thông minh và công nghệ quá sớm liệu có tốt không, và kiểm soát trẻ dùng các sản phẩm công nghệ cao như thế nào?
Theo các chuyên gia, phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng quá sớm. Các trò chơi video có hình ảnh và màu sắc sống động trên điện thoại có sức hút lớn đối với trẻ nhỏ. Nhưng trẻ chỉ nên nhìn màn hình điện thoại và máy tính 20 phút mỗi ngày.
Khi cho trẻ nhỏ chơi game trên điện thoại thông minh và laptop, vô hình chung họ đã biến các sản phẩm công nghệ cao thành “người giữ trẻ” đặc biệt. Điện thoại thông minh có thể khiến con họ chăm ăn hơn, nín khóc ngay tức thì, cười, ngoan ngoãn và biết im lặng những lúc cha mẹ cần yên tĩnh. Thực tế, “người giữ trẻ” đặc biệt kia không toàn năng như bạn nghĩ. Bên cạnh các hữu ích bề nổi đó, điện thoại thông minh và máy tính có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thiếu lành mạnh của trẻ nhỏ.
Trong một nghiên cứu, gần 300 phụ huynh được đưa ra một bảng câu hỏi liên quan đến việc cho trẻ nhỏ dùng điện thoại thông minh, tivi, máy tính và gần 80% câu trả lời cho biết họ đã cho trẻ nhỏ tiếp cận các thiết bị công nghệ này từ rất sớm. Và khi lớn lên, trẻ nhỏ tiếp tục chơi các trò chơi video và sử dụng máy tính có kết nối internet nhiều hơn.
Thực trạng này khiến các chuyên gia sức khỏe lo ngại rằng ngày càng nhiều trẻ em phát triển thiếu khỏe mạnh và mắc các bệnh liên quan đến dùng điện thoại, máy tính quá nhiều như các tật về mắt, bệnh béo phì, bệnh về cột sống, sự phát triển tâm lý không bình thường…