1. Rau tiền đạo là gì?
Trong thời kỳ mang thai, rau (nhau) là bộ phận trao đổi chất duy nhất giữa mẹ và thai nhi, gánh vác trọng trách chính trong việc nuôi dưỡng thai. Bánh rau được hình thành từ rất sớm cùng với sự phát triển của thai nhi. Nó giống như một đĩa có đường kính khoảng 20-25 cm, dày khoảng 2,5-3 cm, mỏng dần về phía bìa và có cân nặng khoảng 500-600 g. Hệ thống mạch máu của bánh rau được tập trung thành hai động mạch và một tĩnh mạch rốn nối liền với thai nhi, được gọi là dây rau hay dây rốn, có chiều dài 35-60 cm.
Rau tiền đạo là tình trạng xảy ra khi một phần hoặc tất cả bánh rau nằm vắt ngang qua cổ tử cung thay vì bám cao hơn trên thành tử cung của người mẹ. Trong bệnh lý rau tiền đạo, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen là rau thai nằm “ngay phía trước” đầu em bé, hay nói khác hơn là nằm chặn ngay cổ tử cung người mẹ, làm cản đường ra của em bé. rau tiền đạo xảy ra trên thực tế với tỉ lệ một trên khoảng 200 ca mang thai. Rau tiền đạo là một bất thường về vị trí bám của rau – không bám hoàn toàn vào thân tử cung mà bám một phần hay toàn bộ vào đoạn dưới tử cung. Và như vậy, rau “định cư” ở trên đường ra của thai nhi trong thời kỳ sinh nở.
2. Nguyên nhân gây ra rau tiền đạo
Nguyên nhân chính xác gây nên rau tiền đạo chưa được xác định rõ. Mặc dù thông thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ, rau thai có thể bám khá thấp trong tử cung, nhưng khi thai kỳ tiến triển và tử cung mở rộng lên thì rau thai cũng có xu hướng di chuyển lên trên. Phần dưới của tử cung mỏng ra và kéo dãn để chứa em bé đang phát triển. Nhưng khi điều này diễn ra thì nó có thể xén mất đi một phần của nhau thai. Đây là lý do vì sao đôi khi có thể khó xác định người mẹ có rau tiền đạo hoặc rau thai thực sự đã bị bong ra khỏi thành tử cung. Nói chung, ngay cả khi người mẹ đã được chẩn đoán là có rau tiền đạo, thường thì cũng không có vấn đề xảy ra cho đến ba tháng cuối của thai kỳ. Dấu hiệu đầu tiên cho biết người mẹ có khả năng bị rau tiền đạo là chảy máu âm đạo không gây đau đớn, phổ biến nhất là vào khoảng tuần 30 của thai kỳ, đôi khi có thể sớm hơn. Rau tiền đạo thường được chẩn đoán qua các lần siêu âm, có khi ngay cả trước khi người mẹ có bất kỳ triệu chứng nào. Rau tiền đạo thường gặp ở những sản phụ lớn tuổi, đa sản, có tiền sử nạo phá thai, sẩy thai, sinh mổ, viêm nhiễm tử cung, phụ nữ hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai, …
3. Phân loại rau tiền đạo
Chúng ta có thể hình dung tử cung có hình như một quả lê úp ngược, đáy ở trên và núm ở dưới. Lẽ ra rau phải bám vào 2/3 trên của “quả lê” này, nghĩa là bám vào phần đáy, nhưng rau tiền đạo lại bám vào 1/3 phía dưới và có khi bám chính giữa núm “quả lê”. Tùy vào vị trí bám của bánh rau mà chia ra các loại rau tiền đạo như sau:
– Rau bám mép: bờ bánh rau tới cổ tử cung chưa che lấp cổ tử cung, chảy máu vừa.
– Rau bám bên: phần lớn rau bám vào đoạn dưới chưa tới cổ tử cung, chảy máu nhẹ.
– Rau bám thấp: bám vào thân của tử cung và chỉ một phần nhỏ bám vào đoạn dưới tử cung. Không gây chảy máu nhưng thường gây vỡ ối sớm, đa số hồi cứu khi sổ nhau.
– Rau tiền đạo bán trung tâm không hoàn toàn: bánh rau che lấp một phần cổ tử cung, sờ thấy múi rau và màng rau, chảy máu nhiều.
– Rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: bánh rau che kín cổ tử cung khi cổ tử cung đã mở, sờ thấy múi rau và màng rau, chảy máu rất nhiều.
4. Ảnh hưởng của rau tiền đạo
* Đối với mẹ
Nguy cơ của rau tiền đạo là: Xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong ở mẹ (tại Việt Nam tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,16%); rối loạn đông máu, có thể xảy ra, nhưng ít gặp ở rau tiền đạo, ngay cả khi rau bong theo diện rộng. Có thể phỏng đoán rằng Thromboplastin – yếu tố thúc đẩy đông máu nội mạch – trong rau tiền đạo đã được thoát ra ngoài kênh cổ tử cung chứ không đi vào tuần hoàn của người mẹ.
* Đối với con
Thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì bác sĩ cũng quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ, vì thế thai non tháng là một lý do chính làm cho tỷ lệ tử vong của con còn khá cao. Tỷ lệ tử vong của con trong rau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng chiếm tỉ lệ là 30 – 40%.
5. Điều trị rau tiền đạo
Không có biện pháp điều trị cụ thể nào hơn là theo dõi và chờ đợi. Nếu người mẹ không bị chảy máu thì không cần phải theo dõi đặc biệt. Ngược lại, nếu chảy máu thì cần phải nằm nghỉ trên giường và được giám sát chặt chẽ. Khuyến cáo chung là tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn xuất huyết. Tốt nhất là tránh bất kỳ tổn thương nào ở cổ tử cung. Tương tự, bất kỳ hoạt động nào có thể dẫn đến co thắt tử cung, chẳng hạn như kích thích đầu vú hoặc tình trạng cực khoái hay kích động cực điểm đều cần phải tránh.