Với thời tiết nắng nóng mùa hè, chắc hẳn với rất nhiều người trà đá là đồ uống không thể thiếu. Tại Hà Nội, đây còn là loại đồ uống “giết thời gian” và mở đầu cho nhiều câu chuyện phiếm. Đặc biệt là ở những địa điểm như trước cửa các cơ quan, trường học hay thậm chí là các bệnh viện, bến xe…
Tuy nhiên, ít người biết rằng trà đá cũng là loại đồ uống “rình rập” muôn vàn nguy hiểm đối với cơ thể con người. Đặc biệt là những điểm bán trà đá “nhạy cảm” như trước cổng Bệnh viện Phổi Trung ương.
Quán nước với những đồ dùng sơ sài ngay trước cổng BV Phổi Trung ương.
Nói đây là địa điểm bán trà đá “nhạy cảm” hay “nguy hiểm” nhất Hà Thành vào thời điểm hiện tại quả không sai. Theo quan sát của phóng viên, các quán nước tại đây ngoài vấn đề vệ sinh an toàn cho những đồ uống, đồ dùng thì vấn đề lây nhiễm bệnh cũng rất đáng báo động.
Ghi nhận của phóng viên tại những điểm bán trà đá trước cổng Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy, tại đây có khoảng gần 10 hàng quán bán nước (chủ yếu là trà đá – p/v), nhưng đa số các quán nước tại đây đều không bàn, không mái che, không có chỗ rửa cốc chén …Tất cả dụng cụ chỉ để vọn vẹn trong một chiếc khay nhựa bao gồm: phích nước, cốc chén, ấm trà và thùng tích đá…
Điều đáng nói là tất cả những loại cốc chén sau khi khách hàng uống xong đều được tráng bằng một xô nước nhỏ, được để lưu cữu từ sáng đến tối, thậm chí tất cả các loại đá khách uống thừa cũng được cho vào xô nước này để làm tăng thể tích.
Những dụng cụ uống nước của chủ quán được để riêng (khoanh đỏ), xô nước dùng để tráng cốc chén được để từ sán đến chiều vẫn chưa thay nước (khoanh đỏ).
Trong vai một người đi đường vào uống nước, phóng viên thắc mắc về việc: nếu không có nước rửa cốc chén thì nên dùng cốc nhựa sử dụng một lần? Nói chưa dứt câu, người bán hàng đã trả lời đốp chát: “Mỗi ngày tôi bán hàng trăm cốc nước, nếu dùng cốc đấy thì phá sản à!”.
Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn, dường như những người bán hàng cũng lường trước được sự nguy hiểm khi bán hàng tại đây. Bởi vậy, nước và cốc nước mà những người bán hàng sử dụng cũng được để riêng một góc và sử dụng riêng chứ không hề sử dụng chung với những cốc khách hàng đã dùng.
Những quán khác cũng trong tình trạng tương tự, chủ quán uống vào chai riêng chứ không chung cốc với khách hàng.
Đối với những người bán hàng là vậy, còn đối với khách hàng, đa số đều là người trong viện ra uống nước, hút thuốc, thậm chí có những bệnh nhân đang điều trị lao vẫn đang đeo khẩu trang cũng ra ngồi phì phèo điều thuốc và uống nước.
“Ở trong viện họ cấm hút thuốc, chúng tôi phải ra ngoài này ngồi thôi. Biết là ngồi quán nước vỉa hè chẳng được sạch sẽ gì, nhưng không còn cách nào khác, chẳng lẽ lại đi bộ hàng cây số ra tận đường Văn Cao”, anh Hùng cho biết.
Trước tình trạng trên, khi hỏi tổ bảo vệ BV Phổi Trung ương thì được biết, tổ bảo vệ bệnh viện cũng thường xuyên nhắc nhở, tuy nhiên do nằm ngoài khuân viên bệnh viện nên rất khó để xử lý triệt để. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về cơ quan công an, bảo vệ bệnh viện chỉ phối hợp thực hiện.
Những người khỏe mạnh hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm lao từ những người có bệnh nếu sử dụng chung cốc.
Nói về nguy cơ lây bệnh khi người khỏe mạnh uống chung cốc với người bị bệnh lao, trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – GĐ Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nếu người khỏe mạnh dùng chung cốc với người bị lao vẫn có nguy cơ lây bệnh lao. Tuy nhiên, tỉ lệ này không nhiều. Đồng thời, ông Nhung khuyến cáo, mọi người tốt nhất là sử dụng riêng đồ cá nhân, không dùng chung cốc chén, đặc biệt là nơi công cộng.
Không chỉ có nguy cơ lây nhiễm bệnh Lao, trà đá bán không đảm bảo vệ sinh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh khác. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm, thức uống vỉa hè rất mất vệ sinh, luôn tiềm ẩn nguy cơ sinh bệnh bất cứ lúc nào. Theo đó, nước uống đường phố bị nhiễm độc có thể do cả 3 khâu là nguyên liệu, dụng cụ và nước để pha chế. Nguyên liệu đa phần bị nhiễm mấm mốc và các loại vi khuẩn như E.coli, B.cereus…
PGS.Thịnh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần loại bỏ ngay các quán ăn, quan giải khát, trà đá vỉa hè nhất là trước cổng bệnh viện, trường học. Bởi, nó không chỉ mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn cả những vấn đề an ninh, trật tự như: trộm cắp, móc túi, giao thông …