Để chăm bé tốt và nhàn hơn, mẹ cần hiểu tâm lý của bé nhé. Nếu làm được điều này, mẹ sẽ chăm bé rất dễ dàng và nhàn tênh đấy.
Khi bé khóc
Em bé khóc là điều rất bình thường. Khi chưa biết nói, tiếng khóc như một cách để em giao tiếp với mọi người. Khi đói em bé khóc, khi khó chịu em bé khóc, hoặc có thể em bé khóc chẳng vì lý do gì cả.
Vào những ngày đầu sau sinh, bé ít khi gây ra tiếng động và thường xuyên buồn ngủ. Nhưng đến hai tuần tuổi, bé có thể sẽ khóc khoảng hai giờ một ngày. Bé có xu hướng khóc nhiều hơn cho đến khi được 6-8 tuần tuổi, sau đó tần suất bé khóc sẽ giảm dần.
Nhiều bố mẹ lần đầu có con nhỏ không hiểu lý do tại sao bé khóc. Khi bé còn ở giai đoạn sơ sinh, rất dễ để đoán được lý do bé khóc. Những lý do chỉ có thể là bỉm/ tã bẩn, đói, mệt, khó chịu. Ngoài những lý do trên, còn có một lý do nữa là bé bị kích động, khi có quá nhiều hoạt động và cảm xúc trong ngày.
Cũng có những thời điểm khi bé đã no bụng, được tắm gội sạch sẽ, cơ thể thoải mái nhưng vẫn khóc. Bố mẹ hãy cố gắng xoa dịu bé vì có thể bé đang cần sự âu yếm vuốt ve của bố mẹ.
Khi bé ngủ
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, nên bé chỉ có thể ngủ liền một vài giờ rồi lại thức giấc để nạp năng lượng. Tuy phải thức dậy nhiều lần để bú sữa nhưng trẻ sơ sinh có khả năng ngủ lại rất nhanh, và có thể ngủ bất cứ nơi đâu, vào bất cứ hoàn cảnh nào dù ở trên xe máy, xe ô tô, trên xe đẩy, trên tay của mẹ.
Khi ngủ mẹ đặt bé nằm ngửa. Xung quanh nơi bé nằm phải thoáng, tránh để nhiều chăn, gối vì có thể khiến bé bị ngạt. Ngoài ra, để bé ngủ ngon và sâu giấc hơn, mẹ nên quấn bé chặt. Bé sẽ không bị giật mình và có cảm giác yên tâm giống như môi trường trong bụng mẹ.
Khi bé ngủ, mẹ sẽ nghe thấy bé phát ra tiếng động lạ như bị cảm lạnh. Có thể vì đường mũi của bé chưa thông, vẫn còn những chất nhầy. Mẹ có thể nhỏ nước mũi sinh lý để chất nhầy đó ra từ từ.
Một số dấu hiệu lạ mẹ cần chú ý và đưa bé đến gặp bác sỹ ngay:
– Lỗ mũi nở to khi thở
– Phần ức bị lõm vào mỗi lần hít thở
– Thở nhanh, gấp
– Nghe thấy tiếng thở khò khè từ ngực
– Hơi thở nặng nề, thở ra tiếng to
– Nặng, thở ồn ào (nghe như tiếng vo vo, tiếng huýt sáo)
– Tạm dừng hơn 10-15 giây giữa các nhịp thở
Tắm cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cần được tắm hàng ngày, nhưng thời gian tắm không nên quá lâu, chỉ từ 5-10 phút là đủ. Về thời điểm tắm bé, mẹ có thể tắm cho bé vào buổi sáng hoặc buổi chiều đều được. Lưu ý không tắm khi bé đói hoặc vừa bú no xong, tắm cho bé khoảng 1 tiếng sau khi ăn là thời điểm đẹp nhất.
Thông thường chậu tắm cho bé sẽ là chậu dài. Mẹ đổ nước ấm gần đầy chậu, bế ngửa bé và thả bé vào. Toàn bộ thân bé ngập nước, tay mẹ đỡ đầu bé để không bị nước vào mắt, mũi, tai. Mẹ dùng khăn mềm, sạch, nhẹ nhàng xoa khắp người bé, lau kỹ hơn ở những vùng cổ, ngấn tay, ngấn chân, bẹn. Mẹ tránh đụng đến phần rốn của bé.
Khi tắm, da của trẻ sẽ bong từng lớp da chết. Mẹ cứ tắm cho bé bình thường, tuyệt đối không dùng tay bóc da, để tự nhiên vài tuần sau da bé sẽ bình thường, trơn láng và mềm mại trở lại.