Sau sinh, cơ thể sản phụ phải chịu rất nhiều tổn thương. Do đó bác sĩ sẽ khuyên bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên 4 đến 6 tuần sau sinh, nhất là khi nhận thấy có dấu hiệu bất ổn. Nếu sinh mổ, bạn cần đi kiểm tra vết khâu sau 1 đến 2 tuần đầu tiên sau khi sinh để chắc chắn rằng vết khâu của bạn đang lành. Tuy nhiên, bạn không nên chịu ràng buộc khi đi kiểm tra sức khỏe hậu sản theo kế hoạch. Nếu bạn có vấn đề sức khỏe và cảm thấy không yên tâm, hãy đi gặp bác sĩ ngay.
Những câu hỏi về kiểm tra sức khỏe hậu sản
Bất cứ biến chứng nào bạn đã gặp trong quá trình mang thai và khi sinh đều có thể quay trở lại trong lần sinh tiếp theo và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đó là lý do tại sao các bác sĩ thường hỏi bạn rất nhiều các câu hỏi liên quan đến quá trình sinh. Dưới đây là các chủ đề câu hỏi mà bác sĩ sẽ chủ động hỏi bạn, và bạn cũng nên chủ đồng thông báo để bác sĩ biết:
– Những triệu chứng như chảy máu, khó chịu ở vùng bụng, đau âm đạo, đau tầng sinh môn, tiểu và đại tiện khó kiểm soát hoặc đau vú là những vấn đề bạn không nên né tránh nếu được hỏi.
– Những vấn đề cảm xúc khi bắt đầu cuộc sống làm mẹ như căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, áp lực.
– Bạn có đang cho con bú sữa mẹ hay không?
– Biện pháp tránh thai hiện tại của bạn là gì?
– Bạn đã sẵn sàng quan hệ trở lại chưa?
– Chế độ ăn và tập thể dục của bạn như thế nào?
Những mục kiểm tra sức khỏe
Trong quá trình kiểm tra sức khỏe hậu sản, bác sĩ sẽ:
– Kiểm tra cân nặng và huyết áp của bạn.
– Kiểm tra vùng bụng và vết khâu, nếu bạn đẻ mổ.
– Kiểm tra ngực để phát hiện các u cục, tình trạng mẩn đỏ, núm vú bị nứt và tiết dịch bất thường.
– Kiểm tra cơ quan sinh dục ngoài của bạn, bao gồm cả đáy chậu. Nếu bạn đã bị rạch tầng sinh môn, việc kiểm tra sẽ cho biết tình trạng của bộ phận này đã ổn định hay chưa.
– Kiểm tra sâu bằng dụng cụ mỏ vịt đến âm đạo và tử cung để xác định các vết bầm tím và trầy xước.
– Kiểm tra vùng chậu bên trong để biết liệu tử cung đã co lại chưa, đồng thời xác định các vấn đề của buồng trứng và kiểm tra các cơ âm đạo.
Sau khi kiểm tra sức khỏe hậu sản xong
Trước khi bạn ra về, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn:
– Làm các xét nghiệm: ví dụ như xét nghiệm máu nếu bạn bị thiếu máu khi mang thai hoặc mất quá nhiều máu trong quá trình sinh hoặc xét nghiệm dung nạp glucose nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ.
– Tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh như uốn ván, bạch hầu, ho gà, cúm, thủy đậu, rubella.
– Chú ý đến các giấy tờ để làm thủ tục thai sản.
– Chú ý khi nào nên đi khám phụ khoa.