Những ngày cuối thai kỳ, mẹ bận rộn với biết bao kế hoạch cùng tâm trạng khấp khởi và hồi hộp. Đồ sơ sinh cho bé mẹ đã chuẩn bị đầy đủ, giặt sạch sẽ và phơi nắng thơm tho. Mẹ xếp gọn gàng đồ của bé trong tủ. Ngày ngày lại mở tủ ra nhìn ngắm, tưởng tượng ra vô vàn hình ảnh con yêu chào đời bụ bẫm dễ thương nhường nào. Con yêu sắp chào đời rồi, mẹ chẳng còn nhiều thời gian rảnh rang như vậy đâu. Tranh thủ chuẩn bị mọi thứ cho chu toàn, hoàn hảo để đón con yêu mẹ nhé.
1. Chuẩn bị phòng cho con
Nếu mẹ có ý định cho con ngủ phòng riêng, thì thời điểm này là lúc thích hợp nhất để chuẩn bị và trang trí phòng. Mẹ có thể mua giường, cũi và một số đồ chơi, thú bông treo lên cho đẹp mắt. Với bé gái, có thể chọn đồ đạc tông màu hồng, trắng. Bé trai nên chọn tông màu xanh, vàng. Trên tường, mẹ có thể treo một số bức tranh ảnh con vật ngộ nghĩnh vui tươi. Phòng bé nên có cửa sổ, không cần rộng quá nhưng phải thoáng và sạch sẽ.
Trường hợp mẹ quyết định cho bé ngủ chung, mẹ vẫn có thể trang trí phòng thêm sinh động để đón bé. Chăn ga, gối đệm phải được giặt giũ, vệ sinh thật sạch. Ngoài ra mẹ cũng có thể treo thêm bóng bay, mua vài bình hoa lụa, tranh ảnh cho phòng thêm vui tươi.
2. Chọn đồ cho bé khi từ viện trở về nhà
Ngày xuất viện, bé được về nhà sẽ là ngày rất quan trọng và đáng nhớ, đánh dấu mốc quan trọng cả gia đình chào đón thêm thành viên mới. Mẹ hãy chuẩn bị cho bé một bộ đồ thật “sành điệu” nhưng vẫn đáng yêu nhé.
3. Bé sẽ ngủ ở đâu trong vài ngày đầu sau sinh
Mẹ cũng cần quyết định chỗ bé ngủ trong vài ngày đầu sau sinh. Mẹ có thể để bé ngủ luôn trong cũi ở phòng riêng, hoặc cho bé ngủ cùng bố mẹ vài ngày cho quen rồi mới chuyển bé sang phòng khác.
4. Chuẩn bị khu vực riêng thay đồ cho bé
Mẹ chuẩn bị một khu vực riêng để thay đồ, vệ sinh cho bé. Ở khu vực riêng này, sẽ luôn có sẵn bỉm, tã, khăn ướt, kem chống hăm, kem dưỡng ẩm chuyên dụng…Với cách sắp xếp này, mẹ sẽ nhàn hơn và tiết kiệm thời gian chăm bé hơn.
5. Mua sẵn thuốc hạ sốt
Mẹ mua sẵn thuốc hạ sốt để chủ động trong việc hạ sốt cho bé. Khi bé sốt trên 38,5°C, cần cho bé uống thuốc hạ sốt, kết hợp cho bé bú nhiều hơn để bé dễ chịu, không quấy khóc. Trước khi mua thuốc hạ sốt, cần tham khảo ý kiến bác sỹ.
6. Chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc mang thai
Những tháng cuối thai kỳ, bụng mẹ to hơn rất nhiều và trông mẹ mập mạp, nặng nề hơn. Nhưng đây lại là lúc thích hợp nhất để chụp ảnh kỷ niệm quãng thời gian quý giá này.
7. Lựa chọn cách theo dõi sự phát triển của con
Mẹ có thể lập một bảng theo dõi, ghi lại chiều cao, cân nặng cùng những biểu hiện, kỹ năng khác của con. Hoặc có thể lựa chọn cách chụp ảnh con theo từng tuần, từng tháng kèm theo ghi chú chi tiết.
8. Chuẩn bị vật dụng thiết yếu
Chuẩn bị những vật dụng thiết yếu cho mẹ như quần áo sau sinh, băng vệ sinh, bỉm người lớn, dầu gội khô, sữa tắm…Một số mẹ theo kinh nghiệm dân gian còn chuẩn bị rượu gừng, muối quấn bụng để bụng không bị sổ sau sinh. Đối với đồ của bé, mẹ cũng cần chuẩn bị quần áo, bỉm, chậu tắm, sữa tắm, bình sữa, nước rửa bình sữa…
9. Thông báo với gia đình, họ hàng thời gian thăm bé sau sinh
Thông báo với gia đình, họ hàng thời gian thăm bé sau sinh. Việc thông báo này cho mọi người biết họ có thể thăm bé ngay sau khi bé chào đời hoặc đợi đến khi bé tròn tháng mới đến thăm.
10. Làm hồ sơ sinh
Sang tuần thứ 38, mẹ cần làm hồ sơ sinh ở bệnh viện. Khi đi làm hồ sơ sinh, mẹ sẽ được xét nghiệm máu, siêu âm và cung cấp các thông tin cần thiết về thai kỳ. Đến ngày sinh và nhập viện, bác sỹ sẽ dựa vào hồ sơ sinh đó để theo dõi quá trình vượt cạn của mẹ.
11. Mua thêm băng vệ sinh
Sau sinh, vật dụng quan trọng nhất đối với mẹ có lẽ là băng vệ sinh. Sinh xong, sản phụ sẽ ra rất nhiều sản dịch. Vài ngày đầu trong viện, có thể dùng bỉm. Sau đó khi về nhà mẹ có thể dùng băng vệ sinh loại dày. Khoảng 2-4 tuần sản dịch sẽ hết và mẹ không cần dùng đến băng vệ sinh nữa.