Thời trang luôn sinh sản ra các sáng tạo đỉnh cao cũng như những bê bối để đời. Cùng nhau điểm lại các vụ scandal ồn ào nhất thời gian qua.
1. Dolce&Gabbana bị ví như “ký sinh trùng” trên nền kinh tế Ý
Váy và áo, túi và giày, nhẫn và vòng đeo tay: Dolce & Gabbana – là dolce vita. Nhưng không phải cho tất cả mọi người. Đối với công lý Ý, Dolce&Gabbana bị ví như một loài “ ký sinh trùng” trên cơ thể nền kinh tế của đất nước.
Pháp lý đã sờ gáy cặp đôi tài năng từ năm 2004 khi họ bán thương hiệu của mình cho chính công ty riêng của mình, nhưng ở Luxembourg – nơi thuế ít hơn. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn một thời gian dài.
Mãi đến năm 2013 câu chuyện trốn thuế của Dolce&Gabbana mới đi đến đoạn kết. Hai thiên tài thời trang đã làm nên một kỷ lục trong lịch sử thời trang. Họ bị tòa tuyên án phạt 340 triệu euro, và mỗi người bị kết án 20 tháng tù.
Tuy nhiên theo pháp luật Ý, Stefano Gabbana và Domenico Dolce vẫn có quyền kháng cáo hai lần. Theo hé lộ bên lề của một công tố viên, cơ hội của họ khá là cao. Ngoài ra họ vẫn có thể trì hoãn việc phải ngồi tù trong nhiều năm tới. Vì vậy, các tín đồ của Dolce&Gabbana vẫn có thể theo dõi các BST của họ trong vài năm tới.
Dolce&Gabbana bị cho là đã làm nên một vụ scandal rúng động làng thời trang với khoản tiền trốn thuế khổng lồ
Ở một động thái khác, hai nhà thiết kế tài hoa phủ nhận tội danh của mình và quyết tâm kháng cáo. Trung tuần tháng 7/2013, cả hai đã có động thái đầu tiên phản đối quyết định từ Hội đồng thương mại Milan. Cụ thể, toàn bộ hệ thống của Dolce & Gabbana tại Milan bao gồm 9 cửa hiệu tất cả đã đồng loạt đóng cửa trong 3 ngày.
Không đơn giản chỉ đóng cửa, Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã ra chỉ thị ghi biển bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Ý giải thích trước cửa hàng. Trong đó có dòng chữ đáng chú ý là “Đóng cửa trong sự phẫn nộ”.
Trước khi đóng cửa, Domenico Dolce và Stefano Gabbana từng phát biểu với báo chí: “Chúng tôi không còn sức chịu đựng những cáo buộc không đáng có từ cảnh sát kinh tế và Hội đồng thương mại cũng như trở thành đối tượng bị bêu xấu của giới truyền thông trong nhiều năm qua”. Tiếp nói sau tuyên bố dõng dạc này, bộ đôi đã quyết định đóng cửa mặc cho tổn thất doanh thu trong những ngày này không hề nhỏ.
Được biết, dù đóng cửa song Dolce & Gabbana vẫn trả lương đầy đủ cho 250 nhân viên của mình. “Domenico Dolce và Stefano Gabbana chấp nhận để mất hàng triệu đô la doanh thu trong 3 ngày đóng cửa để lấy lại niềm kiêu hãnh của mình”, một nguồn tin thân thiết khẳng định.
Toàn bộ hệ thống của Dolce & Gabbana tại Milan bao gồm 9 cửa hiệu tất cả đã đồng loạt đóng cửa trong 3 ngày để phản đối quyết định của tòa án
Đặc biệt, một số nhân vật quyền lực trong giới thời trang cũng tỏ ý ủng hộ hành động phản đối của cặp đôi nhà thiết kế này. Trong đó phải kể đến Santo Versace – em trai Donatella Versace và cũng là chủ tịch của thương hiệu Versace và tổng biên tập Vogue Nhật, Anna Dello Russo. Người phụ nữ nổi tiếng này đã đăng hình ảnh phản đối của D&G lên trang cá nhân như một cách để ủng hộ
2. Ăn thịt chó hay mặc lông chó rừng
Thời gian qua có nhiều lời lên án chỉ trích việc người Việt Nam và một số quốc gia châu Á ăn thịt chó là văn hoá kém, thiếu văn minh… Trong số đó có nhiều công dân phương Tây, vậy nhưng một câu hỏi lớn đặt ra là “Giữa ăn thịt chó và mặc áo lông thú, điều nào man rợ, độc ác, thiếu văn mình hơn?”
Một trong những vụ bê bối lớn nhất trong thế giới thời trang có liên quan đến ký hiệu không đúng của các mặt hàng được làm bằng lông thú. Việc sử dụng lông thú, đặc biệt là loài chồn raccoon dog (Chồn raccoon là một loài thuộc giống chó hoang dã, nhiều nơi gọi là chó rừng), được cố ý đánh dấu là giả da thú, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2007. Các thương hiệu bị chỉ trích gay gắt vì dùng lông thú thật nhưng lừa dối khách hàng là lông thú giả để qua mắt các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã.
Chung tay làm nên scandal động trời này là hàng loạt thương hiệu lớn như Tommy Hilfiger, Baby Phat và Sean John. Sau đó, “kỹ xảo” giả dối này đã được lặp đi lặp lại với nhãn hiệu Marc Jacobs, và một số hiệu bán lẻ Mỹ tên tuổi, bao gồm Neiman Marcus, Eminent và DrJays.
Án phạt cho việc làm gian dối của các ông lớn là những mức tiền phạt khá cao trong 20 năm tiếp theo.
Tommy Hilfiger, Baby Phat, Sean John, Marc Jacobs, Neiman Marcus, Eminent và DrJays… bị chỉ trích gay gắt vì dùng lông thú thật nhưng lừa dối khách hàng là lông thú giả để qua mắt các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã
3. NET – A – PORTER trốn thuế tinh vi
Các nhà báo của kênh Channel 4 News đưa tin rằng “gã khổng lồ” Net-a-porter (một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới) báo cáo sai về kết quả tài chính năm 2013. Công ty công bố lỗ 42 triệu USD, mặc dù con số các nhà phân tích kinh tế nói ngược lại.
Theo các chuyên gia, doanh thu Net-a-porter trong năm ngoái lên tới khoảng 740 triệu đô la. Tuy nhiên, báo cáo kết quả tổn thất tạo cơ hội các công ty để trốn thuế, cũng như tăng tiền thưởng cho các nhà quản lý hàng đầu của họ. Hiện nay đại diện của Net-a-porter chưa đưa ra bình luận chính thức cho lời “kết tội” của các nhà kinh tế. Tuy nhiên sự việc hứa hẹn còn nhiều diễn biến bất ngờ chờ đợi ở phía trước..
Không chỉ Net-a-porter, trong những năm gần đây hàng loạt các thương hiệu có uy tín như Dolce & Gabbana, Giorgio Armani, Prada, Bulgari và Valentino đã lọt vào trọng tâm của pháp luật và tốn không ít giấy mực của các nhà báo. Họ đã làm nên những scandal rung chuyển làng thời trang thế giới vì sự gian dối đến mức tinh vi của mình. Nhiều người trong giới đang thực sự lo lắng hồi hộp trước câu hỏi, “Ai là kẻ tiếp theo?”.
“Gã khổng lồ” Net-a-porter bị tố gian lận doanh thu
4. Nhức nhối vấn nạn sao chép bản quyền
Ngày nay không một mùa trình diễn thời trang nào không tránh khỏi những lời cáo buộc tai tiếng và ồn ào về hành động đạo ý tưởng của nhau giữa các nhà thiết kế. Từ những nhãn hiệu mới nổi cho đến những tên tuổi đình đám và uy tín đến mức khó tin vẫn có thể bị cáo buộc với tội danh trên.
Đáng ngạc nhiên nhất phải kể đến chiếc áo dạ của Céline với tay áo buộc trước ngực của mùa 2013 được phát hiện trong bộ sưu tập của Geoffrey Beene vào năm 2004.
Céline với tay áo buộc trước ngực của mùa 2013 được phát hiện trong bộ sưu tập của Geoffrey Beene vào năm 2004
5. Christian Louboutin liên tiếp bị kiện
Đại diện của Christian Louboutin khẳng định YSL trơ trẽn ăn cắp ý tưởng đế giày đỏ đặc trưng của họ vốn dĩ là điểm nhấn đặc biệt của thương hiệu. Tuyên bố này khá nghiêm trọng vì từ trước tới nay YSL chưa từng vấy bẩn uy tín của mình.
Cha đẻ của những đôi giày sexy nhất thế giới khẳng định ông thực hiện ý tưởng này lần đầu tiên vào năm 1992 và trong năm 2008 đã đăng ký bản quyền .
Tuy nhiên, những lá đơn kiện tụng không giải quyết được cuộc chiến ngầm giữa hai đại gia thời trang. Vì hiện tại tòa án từ chối giải quyết vụ việc vì cho rằng các chứng cứ chưa rõ ràng cụ thể. Chính vì quyết định của tòa án, các tranh cãi giữa vấn đề này của Christian Louboutin và YSL vẫn như những con sóng ngầm dữ dội, chờ cơ hội để “tức nước vỡ bờ”.
Đại diện của Christian Louboutin khẳng định YSL trơ trẽn ăn cắp ý tưởng đế giày đỏ đặc trưng của mình
Vào hồi tháng 5/2011, không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, khích bác mà 2 “ông lớn” danh giá nhất nhì hành tinh này tiếp tục lôi nhau vào vòng kiện tụng. Theo nguồn tin từ Dailymail, Yves Saint Laurent kiện ngược lại. Nhãn hàng đã đòi Christian Louboutin bồi thường 1 triệu đô la Mỹ vì đã đánh cắp nguyên mẫu kiểu giầy đế đỏ.
Yves Saint Laurent cho rằng Louboutin đã sao chép y chang thiết kế thời trang có sẵn. Mà theo YSL, kiểu giầy đế đỏ đã được tung ra thị trường rất lâu trước khi Louboutin sản xuất và đăng kí thương hiệu.
Trong biên bản gửi tòa án, đại diện luật pháp của YSL giải thích rằng kiểu trang trí đế giầy màu đỏ đã xuất hiện từ nhiều thế kỉ trước và khó có thể đăng kí tài sản nhân loại thành thương hiệu riêng cho mình được. “Đế đỏ là một loại hình trang trí giầy dép rất nổi tiếng, chúng đã được sử dụng từ thời kỳ Vua Louis thứ XIV vào những năm 1600. Còn kiểu giầy đế gắn ruby cũng được dòng họ Dorothy xem như một dấu hiệu quyền lực riêng biệt.”
YSL cho rằng Louboutin đã cố tình gian lận trong việc yêu cầu cấp giấy phép đăng kí thương hiệu độc quyền chuyên sản xuất và kinh doanh giầy đế đỏ. Đại diện của YSL tiếp tục: “Là người đứng đầu một thương hiệu lẫy lừng, chuyên nghiệp và hết lòng vì nền thời trang cũng như người tiêu dùng khắp thế giới, chắc chắn Christian Louboutin đã biết hoặc cần phải biết về hàng trăm kiểu giầy đã tồn tại theo suốt chặng đường lịch sử phát triển của loài người. Chính vì thế Louboutin cần trả lại tài sản của nhân loại vào đúng vị trí của nó.”
Đại diện của Yves Saint Laurent tố rằng giầy đế đỏ đã xuất hiện từ thế kỷ 17 chứ không phải chờ tới khi Louboutin đăng ký thương hiệu độc quyền vào năm 2008
YSL nêu lên kiểu giầy đỏ (bao gồm cả đế đỏ) mang tên Palais (ảnh phải) YSL cũng đã sản xuất trước đây khá lâu chứ không hẳn riêng Louboutin (ảnh trái) mới tạo ra dòng giầy này.
Trong khi những ai quan tâm tới vụ kiện tụng này còn chưa biết thực hư ra sao thì một thương hiệu thời trang khác cũng vào hùa với YSL. Đó là Carmen Steffens, một nhãn hàng của Brazil xa xôi cũng đưa ra bằng chứng rằng kiểu giầy đế đỏ cũng được công ty này thiết kế và sản xuất từ những năm 1996. Trước đó khá lâu so với khi Louboutin đăng kí giấy phép độc quyền tại thị trường Mỹ năm 2008.
Ông Gabriel Spaniol, giám đốc phát triển thương hiệu toàn cầu của Carmen Steffens tuyên bố. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các nhân chứng, vật chứng để làm sáng tỏ việc giầy đế đỏ đã được Carmen Steffens sản xuất kinh doanh trước Louboutin.”