Phân của trẻ sơ sinh cũng giống như một thông điệp sức khỏe, qua đó bố mẹ có thể đánh giá tình trạng của bé và biết được bé có đang phát triển bình thường hay không. Rất nhiều ông bố bà mẹ, không lâu sau khi lên chức, đã trở thành những “chuyên gia phân tích” sản phẩm đầu ra của bé, xem xét, đánh giá mỗi lần bé đi đại tiện. Phân của trẻ thay đổi theo từng giai đoạn. Phân bé có bình thường hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bé được bao nhiêu tháng, bé bú sữa mẹ hay sữa công thức và thời điểm bé bắt đầu ăn dặm.
Phân của trẻ sơ sinh sẽ như thế nào?
Loại phân đầu tiên bé thải ra sau khi sinh là phân su. Phân su có màu xanh đen, kết cấu dính, nhầy nhưng không có mùi nặng. Đây chính là nước ối, chất nhầy và những chất bé tiêu hóa khi còn ở trong tử cung của mẹ.
Thông thường bé sẽ thải phân su trong khoảng 1-3 ngày sau sinh. Bé đào thải phân su càng sớm càng tốt vì sẽ tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh bình thường. Sau sinh mẹ chú ý tận dụng sữa non, cho bé bú càng sớm càng tốt, áp dụng phương pháp da tiếp da với bé để tăng đào thải phân su, giảm nguy cơ vàng da ở bé.
Phân của trẻ bú sữa mẹ
Trong sữa non (sữa đầu đời có màu vàng, đặc) có chứa laxative – một chất giúp tăng đào thải phân su ở trẻ sơ sinh. Sau 3 ngày, bé sẽ thải hết phân su và kết cấu, màu sắc của phân cũng thay đổi dần dần.
– Lượng phân bé thải ra sau khi thải phân su sẽ lớn bằng khoảng một đồng xu
– Phân có màu nhạt, từ màu nâu xanh chuyển sang màu sáng hơn hoặc có màu vàng mù tạt. Phân có mùi chua.
– Phân loãng, có thể có màu vàng hoa cà hoa cải hoặc vón từng cục nhỏ.
Vào những tuần đầu sau sinh, bé thường thải phân ngay sau mỗi cữ bú. Tuần đầu bé sẽ giữ thói quen đi đại tiện khoảng 4 lần một ngày. Dần dần sau đó khi hệ tiêu hóa của bé đã điều chỉnh và thích nghi, bé sẽ giảm số lần đại tiện xuống. Mẹ cũng sẽ nhận thấy bé hình thành thói quen đại tiện vào một thời điểm trong ngày.
Sau vài tuần, có một số bé bú sữa mẹ sẽ cách vài ngày mới đại tiện một lần, thậm chí 1 tuần một lần. Nếu phân của bé mềm và bé không gặp khó khăn khi đại tiện, thì mẹ không phải quá lo lắng.
Ngoài ra, thói quen đại tiện của bé sẽ thay đổi nếu mẹ cho bé ăn những thực phẩm khác ngoài sữa hoặc khi bé đang mệt.
Phân của trẻ bú sữa công thức
Phân của trẻ bú sữa công thức khác hoàn toàn với phân của trẻ đang bú sữa mẹ, từ kết cấu, màu sắc, mùi.
– Phân của trẻ bú sữa công thức đặc (độ đặc gần giống kem đánh răng). Lý do vì trong sữa công thức có một số chất khó hấp thụ tiêu hóa hơn so với sữa mẹ.
– Có màu vàng nhạt hoặc vàng nâu.
– Mùi rất nặng, nặng hơn so với phân của người lớn.
Do sữa công thức có hàm lượng protein và khoáng chất cao, lại không dễ hấp thụ như sữa mẹ nên các bé bú sữa công thức thường bị táo bón nhiều hơn.
Ngoài ra, nếu mẹ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, phân của bé cũng thay đổi đáng kể. Tuy nhiên khi chuyển sữa cho bé, mẹ cần thay đổi dần dần trong khoảng vài tuần đến một tháng. Thời gian như vậy đủ để cơ thể bé thích nghi với sữa mới, bé cũng làm quen được với việc bú bình thay vì bầu sữa mẹ. Không những thế, mẹ cũng giảm nguy cơ bị căng tức, đau ngực.
Phân của bé thay đổi khi bắt đầu ăn dặm
Đến thời điểm bé bắt đầu ăn dặm (5-6 tháng), phân của bé sẽ thay đổi đáng kể và tùy theo loại thức ăn bé được ăn. Nếu bé được ăn cà rốt nghiền, phân của bé sẽ có màu ngả vàng da cam. Nếu bé được ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, bé sẽ đại tiện ngay sau đó. Khi bé lớn hơn, tình trạng này sẽ được cải thiện, bé sẽ tiêu hóa chất xơ hiệu quả hơn. Trường hợp bé ăn nhiều thực phẩm cùng lúc, phân của bé sẽ đặc, màu sẫm hơn và nặng mùi.
Tình trạng phân như thế nào là không bình thường?
Qua tình trạng phân, bố mẹ sẽ biết được con có gặp vấn đề về tiêu hóa hay không. Để phát hiện sớm các bệnh tiêu hóa, mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu như sau.
Bệnh tiêu chảy
– Phân loãng hơn bình thường.
– Bé đi đại tiện nhiều lần trong ngày hoặc mỗi lần thải ra lượng phân nhiều.
– Phân phun ra, bắn thành tia
Bé được bú sữa mẹ ít có nguy cơ bị tiêu chảy hơn so với bé bú sữa công thức. Trong sữa mẹ có các chất giúp kháng lại sự phát triển của các vi khuẩn gây tiêu chảy.
Đối với bé bú sữa công thức, trước khi pha sữa cho bé mẹ phải rửa tay sạch sẽ và tiệt trùng bình sữa, dụng cụ pha sữa đúng quy cách. Phải pha sữa đúng theo công thức và nhiệt độ ghi trong bảng hướng dẫn. Sữa bé bú thừa thì không nên cho bé bú lại.
Bé bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như bị nhiễm khuẩn đường ruột, uống quá nhiều nước trái cây hoặc ăn nhiều hoa quả, do dị ứng với thuốc hoặc do dị ứng thực phẩm.
Đến thời kỳ mọc răng, phân của bé cũng thay đổi và loãng hơn phân bình thường. Mẹ cần chú ý đến những triệu chứng khác để phân biệt bé bị tiêu chảy do mọc răng hay do gặp vấn đề về tiêu hóa.
Bé bị táo bón
Rất nhiều trường hợp khi bé đi đại tiện, mặt bé đỏ gay gắt và trông có vẻ đang rặn rất khó khăn. Tuy nhiên đây lại là hiện tượng bình thường nếu phân của bé không đặc. Bé được xác định bị táo bón khi có những triệu chứng sau:
– Bé gặp khó khăn thực sự khi đi đại tiện.
– Phân của bé thải ra ít và khô, giống như phân thỏ. Hoặc phân bé to nhưng lại rất khô.
– Bé có vẻ bị đau, khóc và khó chịu mỗi lần đại tiện.
– Bụng bé cứng.
– Phân của bé có lẫn những sọc máu đỏ
Tương tự như bệnh tiêu chảy, bé bú sữa công thức có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn so với bé bú sữa mẹ. Mẹ có thể mát xa bụng cho bé để giảm thiểu nguy cơ này. Ngoài ra nếu bé bị sốt, mất nước, thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày cũng khiến bé bị táo bón.
Nếu tình trạng táo bón kéo dài, sẽ hình thành tâm lý sợ đại tiện vì sợ đau, càng khiến bé lâu khỏi và gây nguy hiểm cho bé. Mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống cho bé để cải thiện tình trạng này.
Phân của bé có màu xanh
Nếu bé bú sữa mẹ và đi phân màu xanh, có thể là dấu hiệu cho biết bé hấp thụ quá nhiều lactose (loại đường tự nhiên có trong sữa). Điều này do bé bú sữa đầu (sữa nhạt, chủ yếu cung cấp nước) quá nhiều và không nhận đủ lượng sữa cuối (sữa đặc hơn, giàu protein và các chất dinh dưỡng khác) cần thiết. Mẹ nên cho bú đều hai bên. Luôn để bé bú hết một bên vú, rồi mới chuyển sang bên còn lại. Nếu sữa mẹ quá nhiều, có thể vắt bớt sữa đầu đi, để bé bú đủ sữa cuối giàu dinh dưỡng.
Nếu bé bú sữa công thức, mẹ cân nhắc việc đổi sữa khác cho bé. Có thể cơ địa bé không phù hợp với loại sữa này. Nếu bé đi phân xanh quá 24 giờ, hãy đưa bé đi khám bác sỹ, vì có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa.
Phân của bé có màu rất nhạt
Trẻ sơ sinh đi phân màu nhạt có thể do mắc chứng vàng da. Vàng da có hai loại: vàng da sinh lý và bệnh lý. Bé bị vàng da sinh lý sẽ chỉ bị vàng da ở vùng mặt bụng, và thường hết trong thời gian ngắn, khoảng 10 ngày. Vàng da bệnh lý là khi mặt bé vàng, mắt vàng, sau đó lan xuống dưới, ra phía sau lưng và sưởi nắng không thể hết được.
Ngoài ra nếu phân bé nhạt màu trắng, mẹ cũng cần đưa bé đến bác sỹ ngay vì có thể bé gặp vấn đề về gan, có thể do bị vàng da kéo dài quá hai tuần.