Đối với người Huế, Tết là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ chùa đầu Xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình.
Đi lễ đầu Xuân ở nơi đây không chỉ từ mồng Một cho đến Rằm Tháng Giêng, mà là từ tháng Giêng cho đến tháng Ba với nhiều lễ hội liên tiếp.
Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Người Huế không gọi khách đến thăm nhà vào đầu năm mới là xông đất mà gọi là đạp đất. Người đạp đất đầu tiên thế nào thì suốt năm mới hên, xui theo tài đức, vận hạn kẻ ấy. Vì vậy, lên chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm cũng là tránh cho vận hạn bị xem là “đạp đất”.
Đến chùa, đền thuở xưa, các cụ cần sửa mình sao cho con người vừa thanh sạch về cả thể chất và linh hồn, dâng lễ vật hương hoa hay có chút tiền “giọt dầu” bỏ vào hòm công đức, hay thành kính đặt lên bàn thờ Thần, Phật, tự tay trao cho các bậc tăng ni.
Xưa kia các cụ đi chùa, đền đầu năm còn để cầu xin lộc. Lộc có thể là một nhành cây nhú lộc, biểu hiện cho sự sinh sôi, tốt lành ngày xuân, nhưng cũng có thể lộc là những điều mong ước về tiền bạc, chức quyền, con cái mà ta cầu xin thần, Phật sẽ ban cho ta trong năm tới. Lên chùa, đền bất cứ vào thời điểm nào, nhất là vào ngày xuân, cốt nhất là làm sao lòng phải thành, tâm phải thiện, không cần lễ vật phải “mâm cao, cỗ đầy” khoe khoang, chơi trội; ăn nói, đi đứng từ tốn, nhường nhịn, tránh xô bồ, xô đẩy, biết nơi nào cầu xin cái gì và phải làm cho đúng cách, tuân thủ lễ nghi. Chỉ có làm theo tâm thế như vậy thì lòng ta mới thanh thản, bình an bởi tin rằng thần Phật sẽ chứng giám.
Ngày Tết, mỗi người ở xứ Huế đều một tâm niệm, một ý nguyện chân thành, cùng với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cõi Phật để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm.