Hầu hết bà bầu khi đi siêu âm vào những tháng cuối thai kỳ thường được bác sỹ “phán”: “thai nhi dây rốn quấn cổ 1 vòng, 2 vòng hoặc 3 vòng, nên đi bộ nhẹ nhàng để dây rốn lỏng ra”. Nhiều mẹ bầu lo lắng và có khi sợ hết vía vì nghĩ dây rốn quấn cổ rất nguy hiểm, sẽ khiến bé nghẹt thở khi chào đời. Thực tế dây rốn quấn cổ là hiện tượng bình thường và nó không quá nghiêm trọng như mẹ nghĩ đâu.
1. Khoảng 1/3 trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ
Trên thực tế, hiện tượng trẻ bị dây rốn khá phổ biến. Tuy nhiên đây chỉ giống như một chiếc thòng lọng rộng quấn quanh cổ bé và không/ rất ít gây nguy hiểm. Vì vậy bác sỹ siêu âm đôi khi cũng không thông báo cho mẹ bầu biết về hiện tượng này.
Theo nghiên cứu, có tới 1/3 trẻ sinh ra với dây rốn quấn quanh cổ, nghĩa là cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị như vậy. Dây rốn có độ dài không cố định, có thể trong khoảng 19-133 cm. Dây rốn bình thường có độ dài từ 50-60cm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các bé có dây rốn dài có nhiều nguy cơ bị dây rốn quấn cổ chặt. Tuy nhiên dây rốn dài lại không phải là nguyên nhân gây ra các biến chứng khi sinh nở.
2. Dây rốn được bảo vệ bởi lớp màng ngoài trơn nhẵn
Cơ thể con người là một bộ máy hoàn hảo. Các cơ quan phối hợp với nhau nhuần nhuyễn để hoạt động tốt nhất. Dây rốn cũng vậy. Nó không hoạt động một mình và có sự kết hợp với các tổ chức khác trong cơ thể. Một dây rốn khỏe mạnh được làm đầy bởi Wharton’s jelly (lớp mô đệm của dây rốn) – đây là lớp mô mềm, dẻo giúp bảo vệ các mạch máu trong dây rốn. Lớp mô đệm này cũng giúp dây rốn tránh khỏi việc bị quấn rối vào nhau (hiện tượng xảy ra ở 1% ca sinh nở) khi thai nhi vận động, di chuyển trong túi ối của mẹ.
Như đã nói, rất hiếm khi có hiện tượng dây rốn quấn rối vào nhau gây nguy hiểm cho thai nhi. Lớp màng đệm của dây rốn được thiết kế hoàn hảo để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ dây rốn, hạn chế mức thấp nhất biến chứng xảy ra.
3. Dây rốn không thắt chặt hơn khi cơn chuyển dạ đến
Đây là lý do vì sao đa phần các trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ nhưng vẫn chào đời an toàn và không gặp bất cứ biến chứng nào. Các cơn co tử cung dù nhẹ hay mạnh đều không làm dây rốn thắt chặt hơn vào cổ bé. Một số bà mẹ mang thai cho biết nhịp tim em bé giảm khi cơn chuyển dạ đến, tuy nhiên đây là điều bình thường vì em bé đang phải chịu áp lực rất lớn ở vùng quanh đầu.
4. Không phải lúc nào dây rốn quấn cổ cũng gây ra biến chứng sản khoa
Nhiều thai chết lưu khi được lấy ra có dây rốn quấn quanh cổ nên mọi người thường quy chụp là do lỗi của dây rốn. Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ thai chết lưu do dây rốn quấn cổ là rất ít, chỉ khoảng 1%. Có nhiều nguyên nhân gây ra các biến chứng sản khoa, dẫn đến thai nhi chưa kịp chào đời đã tử vong như mẹ mắc các bệnh lý mạn tính, các bệnh nội tiết, bị ngộ độc thai nghén, thai già tháng, đa thai, rối loạn nhiễm sắc thể….
5. Bé bị dây rốn quấn chặt quanh cổ cũng hiếm khi làm tăng nguy cơ bị biến chứng
Kể cả khi bé nằm trong diện đặc biệt, bị dây rốn quấn chặt quanh cổ thì vẫn không ảnh hưởng gì. Đa phần đều chào đời an toàn vì các bác sỹ chuyên khoa sẽ có những can thiệp nhất định. Vì vậy mẹ đừng quá lo khi bé bị “tràng hoa quấn cổ” nhé.
6. Bị dây rốn quấn cổ không nhất thiết phải sinh mổ
Nhiều mẹ ngô nghê lầm tưởng khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ là phải lựa chọn sinh mổ thay vì đẻ tự nhiên vì nếu không em bé sẽ bị tắt thở. Sự thật là mẹ vẫn có thể sinh thường an toàn mà không gặp sự cố gì nhé.
7. Tỷ lệ biến chứng do dây rốn quấn cổ rất thấp
Theo một báo cáo gần đây của Viện Y tế và Phúc lợi Australia, cứ 135 trẻ thì có 1 trẻ sinh ra tại Australia bị chết non (tỷ lệ là 0,74%). Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 1/160.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tờ tạp chí của Hiệp hội Y học chứng minh rằng vấn đề nhau thai (như bong nhau thai) là nguyên nhân hàng đầu gây nên thai chết lưu, chiếm 26% trường hợp. 14-19% trường hợp thai chết lưu do nhiễm khuẩn, 10% thai chết lưu là do các biến chứng khác tắc mạch, thiếu oxy, suy thai, sa nhau nhau. Nghiên cứu nêu rõ: “Dây rốn quấn cổ không liên quan đến nguy cơ thai chết lưu”.
8. Dây rốn quấn nhiều vòng cũng không gây nguy hiểm
Dây rốn quấn 1 vòng, 2 vòng hay 3 vòng quanh cổ bé đều không gây nguy hiểm gì cho mẹ và con. Mẹ chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng là dây rốn sẽ lỏng ra thôi.
9. Suy thai phần lớn do các can thiệp y tế khác
Dây rốn quấn cổ không phải là nguyên nhân chính gây suy thai, suy thai do nhiều yếu tố khác. Ví dụ như khởi phát chuyển dạ. Khởi phát chuyển dạ, đặc biệt là tiêm oxytocin tổng hợp (loại thuốc kích thích các cơn co tử cung, giúp rút ngắn thời gian đau đẻ) có thể gây ra suy thai. Nhiều bà mẹ đành phải chấp nhận gây tê ngoài màng cứng để cảm thấy đỡ đau hơn sau khi được tiến hành khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin tổng hợp. Vì khi được tiêm oxytocin tổng hợp, các cơn co sẽ mạnh mẽ và gây đau đớn hơn cơn co tự nhiên.
Khi được gây tê ngoài màng cứng, mẹ sẽ bớt đau hơn nhưng thai nhi vẫn đang chịu những tác động của oxytocin tổng hợp. Tử cung phải làm việc chăm chỉ hơn và nhanh hơn, do đó lượng máu và ôxy cung ứng cho tử cung nhiều hơn, dẫn đến thai nhi bị thiếu máu, suy thai và phải mổ đẻ cấp cứu.