Chẳng cần đến khi con chào đời, sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé vốn đã hình thành từ khi bé ở trong bụng mẹ. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai đó, hai mẹ con vẫn có những giao tiếp tương tác với nhau. Đó là sợi dây tình cảm vô hình khó có thể định nghĩa được nhưng lại mang đến cho mẹ vô vàn cảm xúc đặc biệt khi mang thai. Các nhà khoa học thường khuyên mẹ bầu nên nói chuyện với con yêu từ khi trong bụng để khi chào đời, con sẽ nhận ra giọng nói của mẹ.
Tuy nhiên khoảnh khắc con chào đời vẫn mang đến biết bao điều mới mẻ với mẹ. Dù sợi dây tình cảm đã hình thành sẵn từ trước đó, nhưng mẹ vẫn lạ lẫm lắm khi bế một thiên thần bé xíu trên tay. Mẹ vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn, để mối liên hệ giữa hai mẹ con bền chặt hơn sau khi con chào đời nhé.
Mẹ kết nối với con bằng cách nào
Sau những cảm xúc bỡ ngỡ lạ lùng ban đầu, mẹ cần chủ động kết nối ngay với bé. Đặc biệt đối với những mẹ sinh mổ, hai mẹ con bị cách ly nhau thì càng cần cố gắng kết nối càng sớm càng tốt.
Cách đơn giản nhất là âu yếm bé, ôm bé vào lòng thật nhẹ nhàng. Nhịp tim của mẹ sẽ giúp bé yên tâm, cảm thấy được bảo vệ che chở. Sau đó mẹ nhìn vào mắt bé, nói với bé những câu đơn giản, hoặc có thể hát cho bé nghe thì càng tuyệt vời. Mẹ đừng nghĩ con chưa biết nói thì không hiểu. Thực tế thì não bộ bé vẫn tiếp nhận và xử lý, sắp xếp thông tin. Cách này không chỉ giúp bé nhận ra giọng nói quen thuộc của mẹ, mà còn tạo nền tảng phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ sau này.
Một cách khác mẹ có thể cho bé da tiếp da với mẹ ngay sau sinh. Đây không chỉ mang lại vô vàn lợi ích về sức khỏe, cải thiện kỹ năng sinh tồn mà còn tăng tình cảm giữa mẹ và con. Bé khi được đặt lên người mẹ, sẽ có những cử chỉ bản năng rất đáng yêu. Bé sẽ biết tìm đúng bầu sữa mẹ để bú cữ bú đầu đời. Tạo hóa rất tài tình khi để cho mùi sữa non giống với môi trường nước ối đã ủ ấp bé trong suốt thai kỳ. Vì vậy theo bản năng bé sẽ tìm ra bầu sữa mẹ nhanh thôi.
Ý nghĩa của sự gắn kết giữa mẹ và con
Mẹ cần phải tạo sự gắn kết với bé càng sớm càng tốt sau sinh. Sự gắn kết này tăng tình cảm mẹ con, vô tình khiến cơ thể người mẹ tiết nhiều hormone oxytocin – hormone tăng tiết sữa và tăng co hồi tử cung, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh của mẹ. Bé tìm được hơi ấm của mẹ cũng sẽ cảm thấy an tâm, không bị kích động, ngủ ngon, ngủ sâu, bú tốt và bước đầu phát triển tốt hơn những bé khác.
Nếu mẹ chưa thể tìm lại tình yêu thương vô bờ bến với bé, đừng vội trách bản thân mình. Vì đây là tâm lý thường gặp sau sinh. Hơn nữa, mẹ vừa trải qua cơn vượt cạn dài, cơ thể mệt mỏi, tâm trạng cũng chưa được ổn định. Mẹ cần giải tỏa cảm xúc và lấy lại thăng bằng. Sau đó hãy từ từ tập dần và tìm lại sự gắn kết với con yêu.