Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân của những cơn ác mộng ở phụ nữ có thai và may mắn thay bạn có thể đẩy lùi tình trạng này mà không cần dùng thuốc.
Tại sao chúng ta lại ngủ mơ?
Có nhiều giả thuyết về lý do con người ngủ mơ. Một nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng những giấc mơ xảy ra khi bộ não củng cố trí nhớ. Việc củng cố trí nhớ là một quá trình rất phức tạp bao gồm sự hoạt động của nhiều chức năng não, hoóc-môn và tế bào thần kinh. Các giấc mơ giúp con người xử lý cảm xúc và khám phá tiềm thức.
Nguyên nhân của các cơn ác mộng
Trong giai đoạn mang thai, bà bầu trải qua rất nhiều thay đổi lớn về cả thể chất và tinh thần. Quá trình này cũng diễn ra quá dài nên gây ra những áp lực lớn cho họ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Đó là lý do tại sao các giấc mơ chập chờn, ác mộng hay đến và khiến các bà bầu bất an thêm. Cụ thể, có 3 nguyên nhân chính khiến bà bầu thường xuyên gặp ác mộng, bao gồm lo lắng, các vấn đề về giấc ngủ và tác động của hoóc-môn cortisol.
Lo lắng
Từ đầu đến cuối thai kỳ, bà bầu luôn ở trong cảm giác lo lắng với các mức độ khác nhau và đan xen với các cảm xúc khác như vui mừng, phấn khích, sợ hãi và hồi hộp. Cùng với sự thay đổi về thể chất và tâm trạng, tất cả có thể tác động vào bộ não điều khiển của cơ thể và gây ra các giấc mơ. Ác mộng cũng là một dạng giấc mơ và nó là lối thoát cho các áp lực chứa đựng trong tiềm thức hàng ngày của bà bầu.
Các vấn đề về giấc ngủ
Mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, thiếu ngủ là những rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất ở phụ nữ có thai. Tất cả các vấn đề này đều có thể gây ra các giấc mơ không ngọt ngào cho bà bầu.
Tác động của hoóc-môn cortisol
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng cortisol đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển cảm xúc của con người khi ngủ mơ. Hoóc-môn này tăng vọt trong giai đoạn phụ nữ mang thai và tăng đến đỉnh điểm vào giai đoạn sinh em bé.
Đẩy lùi ác mộng trong thời kỳ mang thai
Tin tốt lành là bạn có thể đẩy lùi ác mộng trong thời kỳ mang thai bằng cách giải quyết các rối loạn về mất ngủ, cải thiện dinh dưỡng, đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực và thay đổi lối sống lành mạnh. Cụ thể, bạn có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ sau đây:
– Thực hành thư giãn trước khi đi ngủ như tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở sâu.
– Đọc sách
– Nghe nhạc
– Uống sữa nóng hoặc đồ ăn nhẹ giàu protein trước khi đi ngủ.
– Tập thiền trước khi đi ngủ.
– Tránh dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
– Tránh đi ngủ muộn và làm việc quá sức.