Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy vậy, thời gian ngủ dài hay ngắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà việc bé ngủ có ngon giấc hay không mới ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ.
Đối với trẻ em, giấc ngủ sẽ giúp hỗ trợ cho sự phát triển trí não và thể chất. Chính vì vậy, các bà mẹ trẻ nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để giúp trẻ có giấc ngủ dài và sâu hơn vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ mà còn thoải mái cho mình trong việc chăm con. Hãy cùng tham khảo một vài lưu ý vô cùng quan trọng dưới đây khi cho bé ngủ.
Những điều liên quan đến giấc ngủ của bé mẹ cần biết
Thời gian ngủ: Trẻ sẽ ngủ theo nhu cầu của cơ thể, độ dài giấc ngủ cũng khác nhau, cha mẹ chỉ nên tập cho con ngủ đúng giờ còn trẻ sẽ tự biết dậy khi đã ngủ đủ giấc. Các bác sỹ nhi khoa cho biết tuổi của bé càng nhỏ thì thời gian ngủ càng nhiều. Tùy theo sự phát triển của từng giai đoạn mà thời gian ngủ của bé sẽ dần dần được rút ngắn đi nhưng mỗi ngày phải đảm bảo ít nhất 10 giờ đồng hồ dành cho giấc ngủ của bé.
Trong thời gian ngủ, cơ thể bé sẽ hấp thu oxy, năng lượng và sản sinh hormone tăng trưởng nhiều hơn, có lợi cho sự phát triển thể chất và não bộ. Vì vậy, nếu được ngủ đủ giấc, bé sẽ có tâm trạng thoải mái, chơi đùa vui vẻ và cảm giác thèm ăn.
Ngủ đúng giờ giúp phát triển nhận thức: Các nghiên cứu khoa học chứng minh hormone tăng trưởng được sản sinh nhiều nhất sau 1 giờ đồng hồ sau khi bé đạt được trạng thái ngủ sâu và trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Nếu bỏ lỡ khoảng “thời gian vàng” này, sự phát triển của bé sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, bạn nên cho bé đi ngủ từ 9 giờ tối để cơ thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc sản sinh ra các hormone tăng trưởng.
Bên cạnh đó, trẻ được ngủ theo một thời gian biểu nhất định sẽ có điều kiện phát triển toàn diện kỹ năng đọc, làm toán và nhận thức về không gian sau này.
Hoạt động trước khi ngủ: Cần duy trì ổn định một số hoạt động thể chất và bồi dưỡng tinh thần giúp bé cảm thấy thoải mái trước khi đi ngủ. Các chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ khuyên bạn nên tắm, mat-xa, thay quần áo ngủ, kể chuyện cổ tích hoặc hát ru cho bé. Trước khi cho bé ngủ, bạn cũng nên có thói quen tắt đèn như một tín hiệu báo cho bé biết “giờ lên giường đã điểm”.
Cho bé mặc thoải mái, khô thoáng: Nghiên cứu khoa học cho thấy số lần vận động trong khi ngủ của trẻ nhỏ nhiều gấp 2 lần người lớn, với những bé hiếu động con số có thể lên đến 10 lần. Ngoài ra, vào ban đêm bé rất dễ tè dầm vì vậy, cần thay tã hoặc quần áo khô thoáng cho bé mặc đi ngủ để giúp bé thoáng khí, không bị ngấm mồ hôi và hạn chế thấm ngược nước tiểu vào người, để giấc ngủ của bé không bị gián đoạn.
Mẹ nên làm gì để trẻ có một giấc ngủ chất lượng?
Không gian phòng ngủ
Phòng ngủ của bé phải thông thoáng, mát mẻ và tốt nhất là có thể che kín ánh sáng khi cần thiết. Trong những năm đầu đời, thời gian ngủ ban ngày của trẻ rất nhiều, vì vậy nếu ánh sáng thường xuyên chiếu vào phòng sẽ gây khó ngủ, thậm chí hại mắt bé. Không gian trong phòng phải sạch sẽ, thơm tho, giường bé nằm phải giữ sạch tối đa và tránh để những vật cứng có thể gây nguy hiểm cho trẻ gần đó
Âm thanh khi trẻ ngủ
Trẻ em rất nhạy cảm với tiếng động vì vậy nếu không gian xung quanh nơi trẻ ngủ thường có tiếng ồn, trẻ sẽ không thể ngủ sâu. Cần giảm tối thiểu các yếu tố kích thích lên hệ thần kinh của trẻ, trong đó tiếng ồn cũng là một yếu tố cần loại bỏ ngay từ đầu. Cha mẹ không nên xem tivi và dùng máy vi tính ở gần nơi bé ngủ.
Tập giờ ngủ cho trẻ
Đây là việc làm khá gian nan và khiến nhiều mẹ đầu hàng. Việc tập cho trẻ ngủ đúng giờ vừa phát triển trí não cho trẻ, tạo nếp sinh hoạt lành mạnh về sau vừa giúp mẹ chủ động thời gian. Hãy thiết lập những tín hiệu đặc trưng của việc đi ngủ, ví dụ để phòng tối, có tiếng nhạc du dương, vỗ nhẹ vào lưng bé, bé đòi chơi bạn cứ im lặng giả bộ, …lặp đi lặp lại như vậy bé sẽ hình thành phản xạ ngủ đúng giờ khi thấy các tín hiệu này.
Dạy trẻ tính độc lập khi ngủ
Tuyệt đối không ôm ấp con khi ngủ. Nhiều cha mẹ nghĩ ôm để con an tâm ngủ ngon, điều này rất phản khoa học. Việc cha mẹ ôm con có thể cản trở hô hấp của trẻ, thậm chí lây bệnh qua đường thở cho con. Hơn nữa, nếu bạn ôm ấp trẻ ngủ trong 3 tháng đầu thì sau đó giấc ngủ của bé sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó. Khi không được ôm nữa, bé sẽ ngủ không ngon và rất dễ tỉnh giấc.
Giấc ngủ trưa đặc biệt quan trọng
Trẻ có thói quen ngủ trưa có khả năng tập trung tốt hơn và thông minh hơn những đứa trẻ khác. Lý do là sau một giấc ngủ trưa, tinh thần trẻ sảng khoái, vận động linh hoạt nên càng kích thích não bộ phát triển. Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu ngủ là rất lớn, vì thế, cha mẹ hãy rèn cho trẻ một thói quen ngủ lành mạnh, bổ ích. Giai đoạn từ 0-2 tuổi chính là thời điểm dễ dàng nhất để đạt nền tảng này. Nếu qua đi, khi trẻ đã lớn hơn rất khó để tập lại từ đầu.