Mang thai đồng nghĩa với việc nhan sắc của bạn sẽ có nguy cơ “xuống cấp”, từ làn da bị thâm nám, sần hay nứt nẻ, cho đến mái tóc khô, xơ xác, các vùng da như ngực, bụng, đùi chi chít vết rạn, chưa kể lông có thể mọc dày hơn v.v…
Để đối phó với tình trạng này, nhiều chị em đã ra sức tìm các giải pháp “cứu cánh” từ tẩy lông, sử dụng mỹ phẩm làm đẹp da, đến tân trang thêm cho ngoại hình như tẩy trắng răng, uốn hoặc nhuộm tóc v.v… Nhưng phương pháp nào an toàn, hoặc không an toàn cho mẹ và thai nhi thì không hẳn mẹ bầu nào cũng biết tường tận. Vì vậy, tham khảo những câu hỏi thường gặp về làm đẹp khi bầu bí là việc nên làm để chị em luôn xinh đẹp mà vẫn bảo đảm an toàn cho bé yêu suốt thai kỳ.
1. Làm thế nào để tẩy lông an toàn và hiệu quả?
Tẩy lông bằng sáp (wax) là cách tẩy lông an toàn khi bầu bí, dù có thể bạn sẽ cảm thấy đau nhiều do da nhạy cảm hơn (hình minh họa)
Theo bác sĩ Alexa Kimball – Học viện Da liễu Mỹ, thông thường trong thời gian mang thai, tóc của chị em sẽ dày và bóng mượt hơn do sự gia tăng của nội tiết tố androgen, đặc biệt là trong quý đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức hormone này lại là nguyên nhân gây nên tình trạng “rậm lông” ở bà bầu, cụ thể có sự mọc lông bất thường trên các vùng da mặt, cằm, môi trên, thậm chí trên ngực, bụng, tay, chân.
Để tẩy những đám lông đáng ghét, chị em nên dùng sáp hoặc dùng dao cạo, tránh sử dụng thuốc tẩy hoặc kem làm rụng lông vì hóa chất có thể hấp thu qua da, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các phương pháp hiện đại hơn như dùng tia laser được cho là an toàn để tẩy lông vĩnh viễn, nhưng có thể gây đau hoặc khó chịu cho 1 số thai phụ, vì vậy cũng cần được cân nhắc kĩ. Mẹ bầu cũng nên biết rằng, nếu không tẩy lông thì vẫn không ảnh hưởng gì nhiều vì tình trạng này chỉ mang tính chất tạm thời, các mảng lông sẽ rụng dần trong vòng 6 tháng sau khi bạn sinh bé.
2. Có nên tẩy trắng răng?
Hầu hết nha sĩ và bác sĩ sản khoa đều khuyên người mẹ nên chờ sau khi sinh và ngưng cho con bú hãy quan tâm đến việc làm đẹp răng, do chất peroxide sử dụng trong quá trình tẩy trắng gây nên hiện tượng oxy hóa có thể làm hại đến các mô và tế bào. Do đó, mẹ bầu cần tham khảo cẩn thận ý kiến của nha sĩ trước khi có bất kỳ ý định làm đẹp nào, đồng thời cũng cần quan tâm đến sức khỏe răng miệng, vì răng đổi màu có thể là dấu hiệu của bệnh sâu răng, chết tủy răng v.v… Còn nếu mẹ bệnh nha chu có thể gây hại cho thai nhi như gây dị tật thai, sẩy thai, sinh non v.v…
Dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định mẹ tẩy trắng răng sẽ gây hại cho thai nhi, song điều này không đồng nghĩa với việc tẩy trắng răng trong thai kỳ là an toàn cho mẹ và bé. (hình minh họa)
3. Mẹ bầu được nhuộm tóc không?
Nhuộm tóc là 1 giải pháp khá hiệu quả để mang lại vẻ ngoài trẻ trung, tươi mới, dù vậy nếu muốn mình trông trẻ hơn khi bầu bí thì chị em cần suy nghĩ lại. Tuy có nhiều nghiên cứu trên động vật khẳng định thuốc nhuộm không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, cũng như lượng hóa chất ngấm vào cơ thể rất ít, nhưng chưa có một nghiên cứu chính thức nào về tác động của thuốc nhuộm đến phụ nữ mang thai và thai nhi. Có nhiều chị em lại quan niệm chỉ cần dùng thuốc nhuộm chiết xuất từ thiên nhiên là an toàn. Tuy vậy, các chuyên gia lại cho rằng, thuốc nhuộm tóc chiết xuất từ thiên nhiên vẫn chứa nhiều hợp chất hóa học tổng hợp, chẳng hạn như p – phenylenediamine, dihydroxybenzen, và aminophenol …, cùng với các hợp chất kim loại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.
Vì vậy, mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng khi làm đẹp. Nếu quá yêu thích tóc nhuộm, có thể chọn cách nhuộm high light, nhuộm phớt trên bề mặt của tóc, dùng màu phun v.v… để hóa chất ít hoặc không tiếp xúc với da đầu. Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý tránh tuyệt đối nhuộm tóc trong 3 tháng đầu mang thai vì đây là thời điểm thai nhi dễ bị ảnh hưởng hóa chất gây dị tật, sẩy thai; nên đeo găng tay bằng nhựa hoặc cao su để giảm thiểu tối đa sự hấp thụ của hóa chất qua da; không để thuốc trên tóc quá thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất; rửa thật sạch da đầu sau khi nhuộm tóc v.v….
4. Có thể đắp mặt nạ dưỡng da khi mang thai?
Các loại mặt nạ bằng trái cây rất thích hợp để bà bầu dưỡng và làm đẹp da
(hình minh họa)
Mặt nạ dưỡng da là một trong những cách làm đẹp khá hiệu quả và được phái nữ yêu chuộng. Khi bầu bí, làn da thay đổi theo chiều hướng xấu đi, da trở nên khô hoặc nhờn, thâm nám hoặc nổi mẩn đỏ v.v…, khi đó, mặt nạ dưỡng da trở thành “cứu tinh” của nhiều bà bầu để lấy lại làn da sáng mịn. Các chuyên gia cũng khuyên bà bầu nên dùng mặt nạ trong thai kỳ để chăm sóc da mặt tốt hơn, đặc biệt là các loại mặt nạ được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên như cà chua, khoai tây, nha đam, mật ong, nghệ, v.v…
Dù vậy, vẫn có một số lưu ý mẹ bầu cần quan tâm khi dùng mặt nạ dưỡng da, như: đây là thời điểm da nhạy cảm hơn bao giờ hết, vì vậy không kéo và giật mạnh mặt nạ ra khỏi mặt vì có thể làm các mạch máu nhỏ dưới da bị sưng và lộ rõ, ảnh hưởng thẩm mỹ cả khuôn mặt; hay mang thai làm da bạn bị đổi màu nên nếu dị ứng với các thành phần có trong mặt nạ sẽ cho ra “tác dụng phụ” không mong muốn có thể làm bạn phải thất vọng…
5. Sơn móng tay có an toàn?
Thuốc sơn móng tay được chế xuất từ các chất hóa học có tính độc hại nhất định với cơ thể, do vậy mẹ bầu sơn móng tay có khả năng gây nguy hại đến thai nhi trong bụng. Khi thai phụ chế biến thức ăn hoặc cầm trực tiếp thức ăn bằng tay, các chất này có thể bong ra và bám lên thức ăn đi vào cơ thể, qua nhau thai vào máu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sơn móng tay có thể gây dị tật bào thai, gây nên các bệnh viêm da tiếp xúc, ung thư v.v…Ngoài ra, khi khám thai, thai phụ càng không nên sơn móng tay vì thuốc sơn sẽ che khuất màu sắc thực của móng gây cản trở cho sự chuẩn đoán bệnh của bác sĩ.
Nếu bắt buộc phải làm đẹp móng chân tay khi mang thai, hãy chắc chắn rằng bạn sơn móng trong không gian thoáng, cố gắng tối giản các màu sơn …(hình minh họa)
7. Có nên phẫu thuật khúc xạ (Lasik) khi mang bầu?
Lasik là phương pháp dùng tia Laser Excimer điều chỉnh lại hình dạng của giác mạc để điều trị khúc xạ: cận, viễn, loạn và lão thị. Đây là một phương pháp phẫu thuật an toàn và hiệu quả, tia laser chỉ tác động lên trên bề mặt giác mạc, không ảnh hưởng đến các thành phần phía sau của mắt. Tuy nhiên, phương pháp này lại không khuyến khích điều trị cho chị em đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Theo bác sĩ nhãn khoa Marguerite McDonald, do khi mang thai và cho con bú, sự thay đổi nồng độ các hormone làm cơ thể giữ lại chất lỏng, gây sưng các ống thần kinh bên trong mắt, dẫn đến tình trạng cận hoặc loạn thị cũng nặng hơn. Mặc dù vậy, phẫu thuật Lasik trong thời kỳ này lại không đạt kết quả như mong đợi do mắt bà bầu sẽ bị khô hơn bình thường. Các loại thuốc phải sử dụng trước, trong và sau khi phẫu thuật, như các loại thuốc làm giãn nở giác mạc, thuốc nhỏ kháng sinh … đều có thể bị hấp thu qua niêm mạc vào máu, từ đó có khả năng ảnh hưởng bất lợi lên em bé, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thêm vào đó, bức xạ từ tia laser, dù không phải là nguy cơ lớn, nhưng cũng là 1 trong những nguyên nhân mà bạn cần cân nhắc để tránh phẫu thuật Lasik trong giai đoạn nhạy cảm này.
8. Mẹ bầu có nên đến Spa?
Thay vì tắm bùn, tắm hơi, quấn nóng v.v…, mẹ bầu nên chọn massage tại Spa để những phút giây thư giãn tốt nhất cho cả mẹ và bé (hình minh họa)
Một ngày tại Spa có thể giúp bạn thư giãn và khỏe khoắn hơn, nhưng đó là với điều kiện bạn không mang thai. Bởi khi bầu bí, 1 số liệu pháp vốn an toàn với người thường có thể gây nguy hại cho bạn và bé, ví dụ như bất kỳ trị liệu spa nào làm tăng nhiệt độ cơ thể gần như đều không an toàn cho phụ nữ mang thai, gồm tắm bùn, sáp nóng, quấn tảo biển toàn thân, tắm hơi, tắm bồn nước nóng v.v… Vì nhiệt độ cao làm cơ thể bạn mất nước và quá nóng, dẫn đến nhiệt độ nước ối và thai nhi cũng tăng. Đây là 1 trong những nguyên nhân gây dị tật thai nhi, sẩy thai v.v… đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Các trị liệu spa khác, như chăm sóc da mặt, tẩy tế bào chết , có thể rất nhẹ nhàng và thường an toàn nhưng cũng nên cẩn thận. Trong khi mang thai, da bạn thay đổi rất nhiều, có thể nhạy cảm hơn. Trước khi dùng bất cứ sản phẩm chăm sóc da nào lên cơ thể, hãy thử trước trên 1 vùng da nhỏ để đảm bảo sản phẩm không gây kích ứng da. Ngoài ra, các biện pháp làm đẹp khác như tỉa chân mày, tẩy lông vùng bikini … dù an toàn nhưng có thể làm bạn đau đớn hơn do da trở nên quá nhạy cảm khi bầu bí.