Việc bị chòng ghẹo là điều khó tránh khỏi, một khi bạn không quá bảo bọc bé và khi bé tập hòa nhập với môi trường xung quanh. Tình trạng chọc ghẹo một cách cố ý thậm chí còn xảy ra thường xuyên với những bé gặp phải các khiếm khuyết về ngoại hình, ví dụ như những bé bị còi hay bị thừa cân… Khi gặp phải những tình huống bị trêu đùa, nhiều bé sẽ không biết phải phản ứng như thế nào để ngừng trò đùa lại mà thường im lặng chịu trận hoặc khóc và chạy về … mách mẹ. Đây đều là những tình huống mà bất cứ bà mẹ nào đều gặp phải.
Khi đưa ra lời khuyên cho trẻ, điều đầu tiên bạn cần nhớ là giúp trẻ nhận thức rằng những hành động chọc ghẹo, trêu đùa quá đáng không phải là điều tốt. Đó là những hành động xấu, không công bằng và gây tổn thương cho người khác. Nếu biết bé đang là nạn nhân của hành động xấu này, bạn nên khuyến khích bé kể hết mọi sự tình và lắng nghe lời bé nói để tường tận câu chuyện. Sau những lời tâm sự của bé, bạn nên cho bé biết bạn hiểu cảm giác của bé như thế nào và dần đưa ra một số gợi ý để bé xử lý với những tình huống tương tự về sau.
Bạn có thể đưa ra một số cách xử lý như sau:
– Phản ứng lại với chất giọng tự tin, nói với những kẻ trêu ghẹo chấm dứt trò đùa.
– Thể hiện sự thờ ơ và bình tĩnh, chậm rãi bước tránh xa khỏi những người trêu đùa
– Tránh thể hiện sự buồn bã, tổn thương hoặc bất cứ phản ứng thái quá nào khiến đám người kia thỏa mãn về hành động của mình.
– Dạy bé một số từ ngữ, lời nói bông đùa để phản ứng lại.
– Đi xa khỏi đám người kia và rủ một người bạn đi cùng.
– Trong những trường hợp căng thẳng, nói chuyện với giáo viên hoặc người lớn nhờ giúp đỡ.
Với những cách xử lý như trên, bạn cũng cần bàn bạc với bé hay thậm chí đóng một màn kịch nhỏ cùng bé để xem những cách nào phù hợp với bé nhất. Tuyệt đối không dạy bé “chơi xấu” lại những người trêu ghẹo mình bằng cách nói ra những lời tệ hại hay thậm chí dùng bạo lực vì điều đó có thể khiến cho tình huống trở nên tệ hại hơn.
Ngoài những phương pháp xử lý nói trên, bạn cũng nên giúp bé bạo dạn hơn bằng cách khuyến khích bé kết bạn, cho bé tham gia nhiều hoạt động có ích phát triển thế mạnh và sự tự tin bản thân. Hãy lắng nghe lời bé nói và giúp bé tập trung vào những điều vui vẻ hơn là những khoảnh khắc gặp khó khăn của bé.