“Tây balô chỉ mặc ba lỗ”
Đó là nhận định của một chủ cửa hàng bán đồ lụa cao cấp trên phố Hàng Gai (Hà Nội) khi được hỏi về nhóm khách hàng tây balô. Ý nhấn mạnh vào sự đơn giản, không cầu kì khi chọn trang phục của những vị khách này.
Cụm từ “Tây balô” xuất hiện cách đây khá lâu dùng để chỉ chung những vị khách du lịch tóc vàng, thường vác trên vai balô to lớn đôi lúc nặng hơn cả cơ thể. Họ chẳng cầu kì, chải chuốt hay bận hàng hiệu như trên các tạp chí thời trang mà thường xuất hiện thoải mái nhất có thể và ăn đủ món ẩm thực đường phố giá rẻ.
Khi “phượt” (du lịch bụi) chưa phổ biến trong cộng đồng người Việt trẻ, tây balô chịu khá nhiều định kiến của những người làm dịch vụ ở Hà Nội rằng: họ chỉ thích xài tiền lẻ và rất biết mặc cả khi mua đồ. Đến lúc việc đi du lịch tự túc, du lịch giá rẻ không còn là điều quá lạ lẫm thì cái nhìn dành cho tây balô cũng dịu dàng hơn.
Tuy nhiên, phong cách thời trang của tây balô khi đến Hà Nội vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên vì sự khác biệt. “Họ mặc rất đơn giản và rất ít khi mặc những bộ đồ kiểu cách như dân mình mỗi khi đi du lịch”, chị Hoàng Linh chủ cửa hàng giầy dép trên phố Hàng Dầu (Hà Nội) nhận định.
Nhắc đến phong cách thời trang của nhóm khách du lịch này có thể khiến ai ở khu phố cổ cũng nhớ tới những món đồ điển hình: áo ba lỗ, quần soóc, dép tông hay giày thể thao. Quần áo họ mặc có thể tìm mua ở bất cứ khu chợ hay siêu thị nào ở Việt Nam.
“Thói quen của người Việt là phải mua sắm và chuẩn bị đồ mới cho mỗi chuyến du lịch, nghỉ mát. Làm sao để cho mình đẹp nhất có thể. Khách nước ngoài mà điển hình là tây balô lại khác. Họ chỉ cần thoải mái, tiện lợi thôi!”, anh Viết Thành nhân viên công ty du lịch thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài lý giải.
Tây balô chỉ có 5 bộ đồ
Tò mò về phong cách thời trang của những vị khách tóc vàng đến Hà Nội, người viết bài theo chân một khách du lịch người Ý (quốc gia bảnh bao bậc nhất thế giới) anh Matteo Luciano để tìm hiểu hành trang của anh khi đến Việt Nam.
Matteo tiết lộ chiếc balô to đùng anh mang theo không nặng về quần áo như nhiều người nghĩ. Anh chỉ mang đúng 5 bộ đồ với áo phông, 2 chiếc quần dài và 3 chiếc quần soóc, thêm 1t đôi giầy thể thao. “Áo in hình bia hơi và đôi tông này tôi mua hết 5$ (khoảng 130 ngàn đồng) khi đến đây (Hà Nội – PV) để chụp ảnh lên mạngg xã hội khoe bạn bè”, anh cười nói.
Khi được hỏi, “không chuẩn bị nhỡ quần áo hỏng hay thay đổi thời tiết đột ngột thì sao?”, Matteo chẳng ngần ngại trả lời: “Thì mua thôi”. Đó là thói quen không chỉ của riêng anh chàng người Ý này mà đa số khách du lịch bụi đến Hà Nội.
Suzanne một khách du lịch người Mỹ đang trong chuyến du lịch qua ba nước Đông Dương tiết lộ thói quen của mình. Cô mang rất ít quần áo, đến nơi nào đều tìm mua những món đồ người bản địa thường dùng, nhưng tuyệt nhiên không có những món đồ giá cắt cổ như áo dài hay áo lụa.
Ngày đầu tiên ở Hà Nội, Suzanne ra phố Hàng Dầu mua một đôi giầy bệt giá 130 ngàn đồng rồi quay về Mã Mây mua một chiếc váy maxi giá 150 ngàn đồng. Cô vui vẻ trêu đùa: “Ra sân bay mà mang hành lí nặng bị kì thị lắm. Đến Hà Nội tôi quyết phải mua chục bộ đồ người dân ở đây hay mặc để dùng bây giờ và mang về làm kỉ niệm sau này”.
Tây balô cũng ít khi để tâm người khác nhìn mình như thế nào. Với họ chỉ cần mặc đơn giản, thuận tiện nhất có thể để thăm thú những vùng đất mới và trải nhiệm thói quen sinh hoạt, văn hóa của người dân bản địa.