Phụ huynh “dài cổ” ngóng vắc xin dịch vụ
Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, nhất là vắc xin 5 trong 1; 6 trong 1 tiếp tục khan hiếm kéo dài. Vài năm trở lại đây, nhiều vụ tai biến xảy ra với trẻ tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được công khai trên các phương tiện truyền thông khiến các bậc cha mẹ hoang mang, lo sợ không dám cho trẻ đi tiêm vắc xin miễn phí từ nguồn này. Họ đổ xô cho trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ khiến nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ mấy năm gần đây tăng mạnh. Trong khi, nguồn cung không đáp ứng đủ nguồn cầu nên tình trạng khan hiếm nhiều vắc xin dịch vụ, đặc biệt là các vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, 3 trong 1 tiếp diễn kéo dài.
Chị Hương ở Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Con tôi đã được 8 tháng nhưng cháu mới tiêm được một mũi vắc xin 6 trong 1, trong khi theo lịch trẻ hoàn thành mũi tiêm tổng hợp này khi được 4 tháng tuổi. Gia đình tôi thường xuyên đến các trung tâm tiêm chủng lớn ở Hà Nội đăng ký tiêm tiếp vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 cho con nhưng đều không có vắc xin. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ thế này chắc tháng tới tôi cũng phải cho con đi tiêm ở phường”.
Cho đến nay, sau gần nữa năm khan hiếm, tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ vẫn tiếp diễn, các bậc phụ huynh vẫn phải “dài cổ” ngóng vắc xin cho trẻ.
Nhiều phụ huynh xếp hàng đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho con mà không có
“Không có hàng để nhập về Việt Nam”
Theo nhiều đơn vị nhập khẩu, nhu cầu tiêm một số loại vắc xin dịch vụ thời gian gần đây tăng 3-4 lần. Dù các công ty đã lên kế hoạch dự trù nhưng nhà sản xuất không cung cấp đủ, không có vắc xin để nhập về Việt Nam.
Hiện, Việt Nam nhập vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix Hexa nhâp của Bỉ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib. Một số loại tiêm dịch vụ khác có hàng nhưng sẽ vẫn gặp khó.
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; vắc xin Pentaxim và Infarix Hexa đều có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin đều có thể nhập khẩu các vắc xin này với số lượng và số lần nhập khẩu không hạn chế mà không cần giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý Dược. Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 trong thời gian này là không đủ.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang yêu cầu các công ty nhập khẩu vắc xin báo cáo kế hoạch 2015 lộ trình cung cấp đến 2016 như thế nào, từ đó có hướng chỉ đạo với công tác tiêm dịch vụ. Theo báo cáo bước đầu, vắc xin 5 trong 1 phải giữa năm mới về 40.000-50.000 liều/tháng, còn vắc xin 6 trong 1 phải hết năm 2015 mới có.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện nay tại các điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng cũng hết 2 vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1.
“Khan hiếm vắc xin dịch vụ kéo dài trong thời gian qua là do cung không đủ cầu. Nhiều hãng sản xuất vắc xin thay đổi về công nghệ dây chuyền sản xuất, mất khá nhiều thời gian để ổn định. Trong khi đó, nhu cầu về vắc xin dịch vụ tăng đột biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới nên các hãng sản xuất không có đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, các nhà sản xuất phải ưu tiên cho các đơn đặt hàng lớn đã có từ trước. Họ cũng chưa có hứa hẹn gì về việc cung cấp vắc xin dịch vụ nên có lẽ số lượng các vắc xin dịch vụ thị trường đang cần nhiều như 5 trong 1, 6 trong 1 sẽ không có thường xuyên”, TS Cảm cho biết.
Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy – một trong nhưng đơn vị nhập khẩu và cung ứng vắc xin lớn thừa nhận tình hình cung ứng vắc xin hiện nay hết sức khó khăn, không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
“Vắc xin dịch vụ là vắc xin nhập khẩu nên phụ thuộc hoàn toàn vào công ty sản xuất tại nước ngoài. Vắc xin sau khi được sản xuất sẽ được phân chia theo khu vực, từ đó phân nhập về các nước. Lý do vài năm gần đây khan hiếm vắc xin dịch vụ vì các nước sản xuất đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ mới thu hẹp lại nên số lượng sản xuất ít đi, các đơn vị ở Việt Nam muốn có vắc xin cũng không có hàng để nhập về.
Tháng 3 này đánh nhẽ công ty chúng tôi nhập về 20.000 liều vắc xin dịch vụ nhưng nhà sản xuất vừa báo lại là không có. Như vậy, sớm nhất đến tháng 5-6 mới có khoảng 20.000 liều vắc xin 5 trong 1 được nhập về. Vắc xin 6 trong 1 có lẽ phải chờ đến 2 năm sau mới có”, bà Thúy chia sẻ.
Bà Thúy cũng cho biết thêm, lần nhập vắc xin 5 trong 1 gần đây nhất của công ty là tháng 12/2014 với 20.000 liều. Số lượng này không thấm vào đâu so với nhu cầu, vì thế đơn vị ưu tiên những điểm tiêm có số người tiêm đông, lại có chức năng chỉ đạo tuyến như Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, … 1.300-1.500 liều; các nơi khác thì được phân 100-200 liều. Hiện trong kho của công ty vẫn còn một ít để dự trữ.
Theo bà Thúy, từ tháng 6 trở đi tình hình vắc xin 5 trong 1có vẻ ổn hơn, số lượng theo dự báo về cũng khá nhiều.
“Không có vắc xin dịch vụ nên cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng” Tình trạng khan hiếm vắc xin trong nước hiện nay chỉ xảy ra đối với vắc xin dịch vụ. Hiện tại, Bộ Y tế vẫn đáp ứng đủ nguồn vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Cha mẹ không nên quá trông chờ vào vắc xin dịch vụ, không có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Chỉ cần chờ 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ em tôi mong rằng các bậc cha mẹ hãy đưa con em mình tới trạm y tế xã, phường để được tiêm phòng miễn phí các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, các vắc xin này vẫn có khả năng phòng bệnh giống như vắc xin dịch vụ với 95%. TS Phu cũng chia sẻ, cha mẹ không nên quá lo lắng trước các ca tai biến nặng ở trẻ khi tiêm chủng. Bởi tất cả những ca tai biến nặng dẫn tới tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã được hội đồng khoa học cùng Bộ Y tế nghiên cứu, thẩm tra và khẳng định nguyên nhân xảy ra tử vong không liên quan đến vắc xin. |