Với trẻ sơ sinh, ngôn ngữ cơ thể là cách giao tiếp duy nhất với thế giới bên ngoài. Mẹ cần hiểu các thông điệp của em bé của mình để giúp con thư giãn hơn, gắn kết với con và phát hiện các dấu hiệu sức khỏe bất thường nếu có. Dưới đây là những ngôn ngữ cơ thể phổ biến nhất mà em bé muốn gửi đến bạn!
1. Đạp chân
Thông điệp: Khi em bé của bạn đạp chân liên tục đi kèm với cặp mắt mở to và miệng mở rộng, đó là lúc trẻ cảm thấy thư giãn và hạnh phúc. Thông thường, trẻ sơ sinh hay đạp chân khi chúng tắm hoặc khi bạn đang chơi với trẻ.
Điều cần làm: Đừng rời trẻ khi trẻ đang tỉnh táo và muốn chơi đùa cùng mẹ. Hãy làm các bộ dạng ngộ nghĩnh, gọi tên bé, tiếp xúc da với bé, hát cho bé nghe… để trẻ cảm thấy vui vẻ hơn.
2. Cong lưng lên
Thông điệp: Cong lưng lên là một trong những biểu hiện của việc trẻ bị đau người hoặc thấy khó chịu. Kinh nghiệm của các bà mẹ cũng cho biết hầu hết trẻ sơ sinh cong và uốn lưng khi đang bú, đó là dấu hiệu chúng bị ợ nóng.
Điều cần làm: Hãy giúp trẻ thư giãn hơn bằng việc dỗ dành trẻ, kiểm tra thân nhiệt của trẻ, kiểm tra tã bỉm và thay tã bỉm nếu cần. Tránh ép trẻ bú vì điều này có thể khiến trẻ khóc và quẫy đạp dữ dội hơn.
3. Chống đầu xuống nền nhà hoặc cũi
Thông điệp: Em bé của bạn có thể bị đau đớn hoặc cảm thấy khó chịu.
Điều cần làm: Hãy kiểm tra các yếu tố có thể khiến trẻ bị khó chịu như bú quá no, tã bỉm ướt, sốt cao… Nếu trẻ thường xuyên có biểu hiện này, hãy đưa em bé đi gặp bác sĩ ngay.
4. Dùng tay nắm tai
Thông điệp: Nắm tai có thể là cách em bé của bạn thể hiện niềm vui và tò mò khi phát hiện ra mình có thêm một bộ phận mới. Ngoài ra, khi khó chịu (ví dụ như khi mọc răng) trẻ cũng có xu hướng giật và kéo tai của mình.
Điều cần làm: Các mẹ không nên để trẻ sơ sinh kéo và nắm tai vì móng tay sắc có thể làm xước da tai và gây nhiễm trùng tai. Nếu trẻ nắm tai trong giai đoạn mọc răng, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ nha khoa.
5. Nắm chặt bàn tay
Thông điệp: Khi đói hoặc căng thẳng, trẻ sơ sinh có xu hướng nắm tay nhiều hơn.
Điều cần làm: Xác định lại lần bú cuối cùng của bé và cho bé bú nếu đói. Nếu con bạn có thói quen siết chặt bàn tay liên tục trong 3 tháng, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa sớm.
6. Cắn đầu gối
Thông điệp: Với những trẻ lớn hơn một chút, chúng có thể cúi người xuống và cắn đầu gối. Đây được cho là dấu hiệu của những biến động về đường ruột, ợ hơi hoặc táo bón.
Điều cần làm: Tránh cho trẻ ăn các đồ ăn gây ợ hơi. Nếu trẻ bị táo bón, hãy đưa trẻ gặp bác sĩ để kiểm tra, sau đó cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống thêm nhiều nước hơn. Với trẻ lớn tuổi hơn, có thể uống nước ép mận pha loãng.
7. Giật mình
Thông điệp: Đây là một dạng phản ứng của trẻ sơ sinh khi kích động bởi ánh sáng gắt, tiếng ồn lớn hoặc cảm thấy không an toàn khi nằm một mình.
Điều cần làm: Giật mình là biểu hiện bình thường ở trẻ sơ sinh và tình trạng này sẽ biến mất dần sau 4 tháng. Hãy tạo môi trường yên tĩnh, nhiệt độ phù hợp và cho trẻ nằm trong cũi ngủ an toàn để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị giật mình.