Với biện pháp không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp tháng 12 và tháng Giêng, dự kiến kết quả Ngân hàng Nhà nước tiết kiệm được chi phí cho ngân sách nhà nước 390 tỷ đồng. Tổng số đã thực hiện từ năm 2013 đến nay, chi phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước thu được là gần 2.600 tỷ đồng”.
Dù hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới với mục đích kiếm lời bị cấm nhưng hoạt động này vẫn được các đối tượng ngang nhiên diễn ra trong nhiều năm qua.
Thị trường “chợ đen” đang nóng dần lên
Còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhu cầu đổi tiền mới để tích tụ chờ đến ngày tết của người dân đang tăng cao. Là nhân viên một cửa hàng thời trang tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, anh Quách Bá Kiên đang muốn đổi tiền mới, nhất là loại mệnh giá từ 20 nghìn đồng trở xuống để mừng tuổi trong dịp Tết. anh Quách Bá Kiên đã liên hệ với một số người quen làm tại các ngân hàng để đổi tiền mới nhưng hiện vẫn chưa đủ số tiền mong muốn.
“Hằng năm, gia đình tôi đều có nhu cầu đổi tiền lẻ, nhưng năm nay có vẻ tiền mệnh giá nhỏ hiếm hơn. Tôi đã nhờ người quen ở nhiều nơi, nhưng họ đều bảo, năm nay ngân hàng không có tiền mới để đổi. Nếu không có tiền mới đi mừng tuổi, mình cảm thấy thiếu thiếu trong ngày Tết”, anh Kiên chia sẻ.
Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ tiền mới in thì giao dịch ngoài thị trường lại diễn ra khá sôi động, càng tới thời điểm cận Tết càng “nóng” và các đối tượng đã lợi dụng việc đổi tiền lẻ để kiếm lời. Mức phí giao dịch cũng khá đa dạng. Phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được coi là điểm “nóng” về dịch vụ đổi tiền. Tuy không còn hoạt động công khai như trước, nhưng các đối tượng này luôn sẵn sàng mời chào khách đổi tiền.
Theo ghi nhận của một bà đầu mối đổi tiền tại phố Đinh Lễ cho biết, tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí 20-30%. Còn tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, mức phí từ 10-15%. Bà cho biết: “Tiền mới chúng tôi có nhiều loại, khách hàng lấy loại nào có giá chênh lệch loại đấy. Tiền mệnh giá nhỏ thì chênh lệch nhiều hơn. Còn thích tiền nguyên seri, tiền nguyên đai, nguyên kiện đổi bao nhiêu tôi cũng có”.
Tại cuộc họp báo diễn ra mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, không đưa ra thị trường tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên Đán. Theo ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường nhưng tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng cho dịp này dự kiến tăng 25%, trong đó gồm cả tiền mới in trong năm và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế dịp Tết.
Trong nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích để hạn chế tiêu cực, nâng cao nếp sống văn minh, tiết kiệm chi phí xã hội. Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết vẫn diễn ra hết sức rầm rộ. Tại sao những đối tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn có nguồn để cung cấp cho thị trường? Cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp giải quyết triệt để tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật trong việc đổi tiền lẻ, tiền mới diễn ra công khai như hiện nay.