2 tuần nay, ngày nào ông Côn, chủ vườn đào rừng ở Bắc Hà, Lào Cai cũng tiếp hàng chục khách đến thăm, mua cây. Ông cho biết, thời tiết năm nay không thuận lợi nên đào rừng khá hiếm và ít cây đẹp so với năm trước. Tuy nhiên mức giá vẫn không nhỉnh hơn năm trước là bao. Một gốc đào tuổi đời khoảng 10-15 năm, giá dao động 3-4 triệu đồng; gốc 20-30 năm, giá khoảng hơn 5-6 triệu; trên 30 năm giá trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng gốc đào lâu năm hiện còn rất ít.
Ông Côn chia sẻ, ông từ Cổ Lễ, Nam Định lên Lào Cai trồng đào rừng được gần 15 năm nay, nên các kỹ thuật chăm cây, tạo thế khá thuần thục. Các gốc đào trong vườn đều là đào rừng, do chính tay ông đánh về và chăm trồng. Sau quá trình cắt, ghép, tạo thế và tỉa cành mất khoảng 2-3 năm mới được bán.
“Đào rừng mọc tự nhiên nên rất cằn cỗi, thế cây không được đẹp. Hơn nữa, cũng rất khó để xác định tuổi đời của cây. Hiếm khi có gốc đẹp tự nhiên, không mất công cắt ghép mà bán được giá cao”, ông Côn chia sẻ thêm.
Hiện tại, vườn nhà ông Côn chỉ rộng chừng 4-5 sào nhưng có đến gần 600 gốc đào rừng. Mỗi ngày có đến vài chục khách dưới xuôi lên thăm vườn. Ông cho biết, có người đặt liền lúc đến 5 gốc đào, tổng hóa đơn lên 35 triệu đồng. Thông thường, khách phải đặt cọc 40-50 % giá trị cây, sau đó ghi tên, số điện thoại và hẹn ngày chuyển hàng. Tất cả mọi chi phí đánh cây, chuyển hàng đều do nhà vườn chịu.
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết âm lịch nhưng chủ vườn này đã bán được gần 300 cây đào. Hầu hết các gốc cây thế đẹp, lâu năm đã có chủ
Nhân tiện đi công tác Lào Cai, anh Khiển, trưởng phòng kinh doanh một công ty tư vấn đầu tư ở Đống Đa, Hà Nội cũng săn gốc đào rừng đẹp cho công ty. Anh cho biết, mấy năm gần đây anh thường mua đào rừng trồng ở Nhật Tân (Hà Nội) nhưng giá khá đắt, gốc lại không đẹp. Do vậy, năm nay anh quyết định đến tận vườn để chọn cây. Anh Khiển đã chọn được một gốc đào rừng có tuổi đời 15 năm, giá 5 triệu đồng.
Xem thêm: Jetstar Pacific giảm mạnh giá vé máy bay Tết Nguyên đán Những kiểu chơi Tết Tây không tốn kém mà vẫn vui |
“Đào rừng chính gốc ngày càng hiếm nên mình phải đi săn sớm để chọn được gốc đẹp về chơi. Thời điểm này săn đào là thích hợp nhất. Giá chưa bị thổi lên, lại có thể thoải mái chọn gốc vừa ý, và cũng vừa đủ để biết cây nào sẽ cho nhiều hoa, nhiều lộc”, anh bật mí.
Là người kén chọn, anh Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không chơi đào Nhật Tân mà chỉ chơi đào rừng, loại đào được đốn từ trong núi, hoa có màu nhạt hơn. Anh cho biết, năm nào anh cũng lên những tỉnh miền núi như Mộc Châu, Sơn La, Lào Cai… để săn đào rừng. Thường gốc đào đẹp phải có tuổi đời lâu năm, gốc to, có nấm mốc và nhiều nụ.
Anh Thanh, chủ một vườn đào rừng ở Mộc Châu cho biết, thời gian gần đây có nhiều thương lái ở Hà Nội lên thu gom, mua cây về bán. Tuy nhiên, những gốc đặc biệt anh để lại vườn bán cho khách lên tham quan. “Đào rừng chính gốc ngày càng hiếm nên càng được dân chơi ưa chuộng. Theo đó, giá mỗi gốc lên đến tiền triệu mà cũng không có để bán”, anh nói. Mọi năm anh Thanh thường gửi một vài gốc về các vườn ở Hà Nội bán. Tuy nhiên năm nay, hàng hiếm nên ông chỉ bán cho khách đến thăm tại vườn.
“Nhiệt độ Mộc Châu có lạnh hơn so với Hà Nội khoảng 2 độ C, nhưng chế độ chăm sóc cũng không khác gì đào thường. Thường mỗi cây sau khi đánh từ rừng về, phải mất đến 2-3 năm chăm sóc, tạo dáng và phát triển mới có thể bán được. Thậm chí, nhiều gốc cây hình dáng tự nhiên, việc tạo dáng cũng khó khăn nên có khi đến 4-5 năm mới tạo được dáng như ý muốn. Cũng vì thế, đào rừng luôn có giá đắt hơn đào thường” anh nói.
Còn theo một chủ vườn tại Nhật Tân, số lượng đào rừng năm nay khá hiếm, thường chỉ còn những gốc được chuyển về 3-4 năm trước, nhưng nhà vườn chỉ cho thuê chứ không bán.