Hiện nay, kinh doanh dịch vụ lữ hành là một trong những ngành nghề thu hút lớn các nhà đầu tư nước ngoài do nhu cầu về lữ hành của người dân trong nước ngày một tăng và bên cạnh đó, du lịch cũng là nguồn thu khổng lồ cho doanh nghiệp kinh doanh nói riêng hay nước nhà nói chung. Vậy thủ tục thành lập công ty lữ hành có vốn nước ngoài được quy định ra sao, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây! |
Căn cứ:
- Luật du lịch 2017
- Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL
- Luật đầu tư 2014
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP
- Thông tư 131/2010/TT-BTC
- Biểu cam kết WTO, AFAS, FTAs (nếu có).
Nội dung tư vấn:
1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?
Kinh doanh dịch vụ lữ hành được định nghĩa tại khoản 9 Điều 3 Luật du lịch 2017, theo đó: “Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch”.
Sản phẩm lữ hành có các đặc điểm sau:
– Sản phẩm lữ hành có tính chất tổng hợp: sản phẩm lữ hành là sự kết hợp của nhiều dịch vụ như: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… của các nhà sản xuất riêng lẻ thành một sản phẩm mới hoàn chỉnh. Sản phẩm lữ hành là các chương trình du lịch trọn gói (package tour) hay từng phần, khách hàng phải trả tiền trọn gói các dịch vụ trong chương trình du lịch trước khi đi du lịch.
– Sản phẩm lữ hành không đồng nhất giữa các lần cung ứng do chất lượng dịch vụ cấu thành phụ thuộc vào tâm lý, trạng thái tình cảm của cả người phục vụ lẫn người cảm nhận. Mà các yếu tố đó thì lại thay đổi và chịu tác động của nhiều nhân tố trong những thời điểm khác nhau.
– Sản phẩm lữ hành bao gồm các hoạt động điễn ra trong cả một quá trình từ khi đón khách theo yêu cầu, cho đến khi khách trở lại điểm xuất phát gồm:
+ Những hoạt động đảm bảo nhu cầu của chuyến đi nhu cầu giải trí, tham quan.
+ Những hoạt động đảm bảo nhu cầu thiết yếu của khách chuyến đi như đi lại, ăn ở, an ninh…
– Không giống như ngành sản xuất vật chất khác, sản phẩm lữ hành không bảo quản, lưu kho, lưu bãi được và giá của sản phẩm lữ hành có tính linh động cao.
– Chương trình du lịch trọn gói được coi là sản phẩm đặc trưng trong kinh doanh lữ hành. Một chương trình du lịch trọn gói có thể được thực hiện nhiều lần vào những thời điểm khác nhau.
2. Điều kiện thành lập công ty lữ hành của nhà đầu tư nước ngoài
– Hiện nay, theo cam kết gia nhập WTO thì
- Việt Nam chưa cam kết hình thức công ty 100% vốn nước ngoài đối với dịch vụ lữ hành nên để được cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam thì nhà đầu tư buộc phải liên doanh với một đối tác Việt Nam;
- Công ty liên doanh không hạn chế phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần nhỏ hơn 100%. Đồng thời, đối với hoạt động tổ chức tour du lịch thì bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với một đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;
- Công ty lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tổ chức đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam (inbound), đồng thời được phép cung cấp dịch vụ lữ hành nội địa như là một phần của dịch vụ đưa khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam mà không được tổ chức chương trình tham quan nước ngoài cho khách du lịch Việt Nam (outbound);
- Hướng dẫn viên du lịch trong các doanh nghiệp lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam.
– Hình thức đầu tư: thành lập Công ty Việt Nam, xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần hoặc phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký hoạt động du lịch và có giấy phép lữ hành quốc tế.
3. Thủ tục thực hiện
– Bước 1: Thành lập công ty lữ hành vốn Việt Nam:
- Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP bao gồm: Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần; Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực (Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu, văn bản uỷ quyền của người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức, tài liệu liên quan đến việc thuê địa điểm, thư ủy quyền).
- Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng kí kinh doanh.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, phòng đăng kí kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người gửi hồ sơ.
- Phòng đăng kí kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ, chính xác của hồ sơ.
- Phòng đăng kí kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (ERC) trong vòng 03 ngày nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đăng kí online, thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo về việc cấp ERC, người nộp đơn phải nộp bản giấy đến phòng đăng kí kinh doanh để đối chiếu.
- Công khai thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
– Bước 2: Xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho công ty Việt Nam
Theo quy định tại Điều 33 Luật du lịch 2017, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Sở văn hóa, thể thao và du lịch các hồ sơ sau, trình tự, thủ tục cụ thê như sau:
“Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch quy định;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này;
đ) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
– Bước 3: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty du lịch Việt Nam
Căn cứ Điều 26 Luật đầu tư 2014, hồ sơ và thủ tục đăng kí góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được thực hiện như sau:
“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
2. Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
3. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;
b) Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
4. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.”
Từ quy định trên, ta thấy, nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không nắm giữ từ 51% vốn điều lệ của công ty lữ hành Việt Nam trở lên thì chỉ cần làm thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên. Ngược lại, cần chuẩn bị hồ sơ như khoản 2 trên và thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp như khoản 3 trên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 131/2010/TT-BTC thì điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài ( tổ chức, cá nhân) khi tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiêp Việt Nam là có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp , thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết trên. Để được tư vấn thêm, hãy truy cập vào dịch vụ của chúng tôi: https://lsx.vn/dich-vu-luat-su-tranh-tung