Khi sinh thường, hầu hết phụ nữ đều bị rách tầng sinh môn ở các cấp độ khác nhau. Vấn đề này có thể ám ảnh bạn và khiến bạn lăn tăn không biết mình có nên tiếp tục sinh thường lần thứ 2 hay không. Bạn đang đọc đúng chủ đề cần tìm hiểu rồi đấy. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu những thông tin hữu ích về vấn đề này.
Các cấp độ của rách tầng sinh môn
Khoảng một nửa phụ nữ sinh thường bị rách tầng sinh môn nhẹ khi sinh. Số phụ nữ bị rách tầng sinh môn nhiều và nghiêm trọng chỉ chiếm một số lượng nhỏ và cần phẫu thuật để khâu, chỉnh hình. Rách tầng sinh môn được chia ra thành 4 cấp độ:
– Cấp độ 1: Chỉ bị rách da
– Cấp độ 2: Cả da và cơ âm đạo bị rách
– Cấp độ 3: Vết rách rộng từ vách âm đạo đến đáy chậu, nơi có các cơ thắt điều khiển hậu môn
– Cấp độ 4: Vết rách kéo dài đến ống hậu môn cũng như trực tràng
Những nguyên nhân gây ra rách tầng sinh môn
Rất khó để biết trước bạn có bị rách tầng sinh môn nặng không khi sinh thường. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu các nguyên nhân gây ra rách tầng sinh môn trước khi mang thai và hạn chế tình trạng này. Các nguyên nhân chủ yếu của rách tầng sinh môn bao gồm:
– Lần đầu tiên sinh em bé
– Kẹt vai em bé khi sinh
– Rặn đẻ kéo dài
– Quá trình sinh bị đẩy quá nhanh
– Em bé to hoặc đầu em bé ở vị trí bất thường
– Dùng kẹp trợ sinh
– Cắt tầng sinh môn để em bé ra ngoài nhanh
– Sử dụng thuốc tê ngoài màng cứng
– Sinh nằm hoặc sinh trên bàn mổ với bàn đạp ngựa
Có nên tiếp tục sinh thường khi tầng sinh môn đã bị rách không?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết rạch trong lần sinh thứ nhất, bạn có thể lựa chọn phương pháp sinh cho lần tiếp theo dưới sự tư vấn của bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết rõ tình trạng rách tầng sinh môn lần trước của bạn để hạn chế các vết rách đó xảy ra vào lần tới. Trong trường hợp bạn đã từng bị rách tầng sinh môn nặng và có nhiều vết khâu lớn, tốt nhất bạn nên chọn lựa mổ đẻ cho lần sau để tránh làm tổn thương các vết khâu cũ. Hơn thế nữa, lựa chọn này cũng giúp bạn an tâm và bớt lo sợ hơn.
Phòng tránh bị rách tầng sinh môn
Bạn hoàn toàn có thể hạn chế được tình trạng rách tầng sinh môn nghiêm trọng trong lần sinh tiếp theo bằng cách áp dụng những cách làm sau:
– Trong suốt thai kỳ, hãy theo dõi vị trí thai nhi và điều chỉnh các tư thế ngồi, nằm của bạn để em bé ở vị trí thuận sinh nhất.
– Học cách thư giãn, hít thở và tập trung rặn đẻ để tránh sợ hãi và căng thẳng ảnh hưởng đến quá trình rặn đẻ.
– Đứng thẳng được cho là tư thế sinh tránh làm tổn thương tầng sinh môn nhất. Tránh nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi sinh vì các tư thế này hạn chế vùng chậu mở rộng.
– Tránh làm thủ thuật rạch tầng sinh môn và chỉ thực hiện thủ thuật này trong trường hợp khẩn cấp.