Đối với giáo dục, cựu Thủ tướng Singapore đã áp dụng chính sách phổ cập tiếng Anh từ cuối thập kỷ 1950. Bên cạnh đó, ông đề ra chính sách phạt tiền rất nặng đối với những gia đình sinh quá 2 con để hạn chế bùng nổ dân số.
Áp dụng nền giáo dục Anh quốc
Singapore là quốc gia đa sắc tộc, trong đó có 3 nhóm chính chiếm đa số: người gốc Hoa, Mã Lai và Ấn Độ, đặc biệt người gốc Hoa chiếm tới 75% dân số. Nhưng ông Lý Quang Diệu không chọn một trong các ngôn ngữ này làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Ngay từ khi mới nắm quyền cuối thập kỷ 1950, ông đã áp dụng chính sách phổ cập tiếng Anh cho toàn dân và coi đây là ngôn ngữ dùng trong các công sở nhà nước cũng như trong trường học.
Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.
Sau khi đất nước giành được độc lập từ Anh, ông không theo quan niệm “đả phá di sản thực dân”, trái lại ông tiếp thu toàn bộ hệ thống giáo dục của Anh ở các bậc học từ mẫu giáo đến đại học. Ông quan niệm, nền giáo dục của Anh quốc đã phát triển trong mấy trăm năm và đạt đến mức độ hoàn thiện và chính bản thân ông cũng đã trưởng thành từ nền giáo dục Anh. Ông cho áp dụng ngay hệ thống này để tiết kiệm thời gian và công sức nghiên cứu, thử nghiệm trong giáo dục. Giáo dục các cấp tiểu học, trung học, và đại học hầu hết được nhà nước hỗ trợ.
Ngoài kiến thức, học sinh còn được dạy từ nhỏ về kỹ năng sống từ những việc nhỏ nhất như không làm ồn nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, không vẽ bậy lên tường, xả nước sau khi đi vệ sinh …
Chính sách thu hút nhân tài được ông áp dụng không chỉ trong giáo dục mà ở tất cả các lĩnh vực khác, ông muốn biến Singapore thành một trung tâm công nghệ toàn cầu chứ không phải xứ sở của chủ nghĩa dân tộc. Các giáo sư giỏi người nước ngoài nếu đồng ý ở lại giảng dạy, nghiên cứu lâu dài sẽ có các chính sách khuyến khích đặc biệt về lương, thưởng, nhà ở, phương tiện đi lại và y tế.
Ông cho áp dụng nền giáo dục phương tây nhưng lại rất tôn trọng và gìn giữ các giá trị văn hóa Á Đông truyền thống. Ông từng khoe rằng cháu gái ông có tên là Lý Tu Tề (Lee Xiuqi) xuất phát từ câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, với ý muốn cháu luôn phải phấn đấu, phải tự lực. Ông nói: “Con trai tôi chọn hai chữ đó vì muốn con gái mình tu dưỡng bản thân và sau đó chăm lo cho gia đình của mình. Đấy là quan niệm cơ bản của nền văn minh chúng ta. Các chính phủ lên rồi xuống, nhưng giá trị đó sẽ còn mãi”.
Cựu Thủ tướng Singapore rất tin tưởng vào tính hiệu quả của việc phạt từng cá nhân, điều mà bản thân ông cũng từng phải nhận thời còn đi học. Ông kể lại chuyện bị phạt đòn khi mắc lỗi ở trường lúc còn nhỏ: “Tôi nằm vắt ngang người qua cái ghế, vẫn được mặc quần và bị ba roi đau điếng người. Tôi không bao giờ hiểu được tại sao các nhà giáo dục học phương Tây lại phản đối việc trừng phạt cá nhân một cách mạnh mẽ thế. Chuyện đó chả làm cho tôi hay các bạn học của tôi hề hấn gì”.
Chính sách mạnh tay đối với phụ nữ
Ông Lý Quang Diệu khuyến khích phụ nữ học hành nâng cao trình độ hơn là quẩn quanh với các việc nội trợ. Mặc dù chính ông đã đề ra chính sách phạt tiền rất nặng đối với những gia đình sinh quá 2 con để hạn chế bùng nổ dân số. Tuy nhiên, ông lại nới lỏng chính sách này đối với những phụ nữ có bằng cấp cao ở các trường danh giá khi thấy những phụ nữ tốt nghiệp đại học có xu hướng sinh con ít hơn và không quan tâm nhiều đến hôn nhân so với các phụ nữ ít giáo dục hơn.
Với niềm tin rằng 80% khả năng của mỗi người do gen quyết định và có được là nhờ thừa hưởng di truyền, ông Lý Quang Diệu đã cảnh báo rằng sự sút giảm nguồn gen tài năng này có thể là một điều cực kì tệ hại cho một đảo quốc mà nguồn lực quan trọng duy nhất là con người.
Cựu Thủ tướng Singapore luôn khuyến khích phụ nữ nâng cao trình độ.
Chính quyền đã nhanh chóng đưa ra một chính sách vào năm 1983 nhằm tăng nguồn lực tài năng. Theo đó, phụ nữ nào đã tốt nghiệp đại học và chưa lấy chồng thì được khuyến khích lập gia đình, còn phụ nữ nào đã lập gia đình và có hơn hai con thì được hưởng những khoản giảm thuế lớn và được ưu tiên chọn trường cho con cái.
Những phụ nữ chưa tốt nghiệp đại học thì được khuyến khích nên có ít con, và nếu dừng ở hai con thì được số tiền hỗ trợ đến 10.000 đô la Singapore (tương đương 154 triệu đồng) – số tiền đó sẽ được trừ ra khi họ mua nhà của chính phủ. Chính sách này đã làm mất lòng nhiều cử tri khiến họ đã không ủng hộ đảng của ông nữa và sau đó đã bị bãi bỏ.
Một ví dụ khác: Nếu một người nam Singapore muốn cưới một phụ nữ không phải là người Singapore, và nếu người nữ này được giáo dục và có bằng cấp chuyên môn cao, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế thì các thủ tục kết hôn không cần được chính quyền cho phép.
Tuy nhiên, đối với những phụ nữ mà khả năng có thu nhập kém trong xã hội Singapore, điều này không dễ dàng – các cặp phải đợi một thời gian khá dài để nhận được giấy cho giấy phép kết hôn của chính quyền.