Sự phát triển hệ xương là một quá trình kỳ diệu khi mà cấu trúc của xương bắt đầu hình thành từ các mô sụn mềm, rồi sau này phát triển trở thành xương cứng. Dưới đây là cận cảnh từng tháng phát triển của hệ xương thai nhi trong bào thai. Chắc chắn bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị!
Tháng 1: Tế bào phân chia thành 3 lớp
Chẳng bao lâu sau khi thụ thai, phôi thai tách ra thành 3 lớp. Trung bì – lớp ở giữa sẽ phát triển thành xương, cơ bắp, thận và cơ quan sinh dục của em bé. Lớp trong cùng (hay còn gọi là nội bì) sẽ phát triển thành hệ tiêu hóa, gan và phổi, còn lớp ngoại bì (lớp ngoài cùng) sẽ phát triển thành hệ thần kinh, da, tóc và mắt của trẻ.
Tháng 2: Bắt đầu hình thành chân và tay
Tháng thứ 2 đánh dấu một sự thay đổi lớn của phôi thai. Sự hình thành xương sống và ống thần kinh cũng diễn ra vào lúc này. Chúng 2 hai bộ phận quan trọng của hệ thần kinh, cũng như cột sống và xương sọ. Đến tuần thứ 6, phôi thai lớn bằng hạt đậu bắt đầu hình thành chân, tay (bao gồm cả cẳng tay và cẳng chân nhưng chưa phát triển đuôi – phần xương sau này sẽ biến mất và trở thành xương cụt).
Tháng 3: Phát triển ngón tay và ngón chân
Trong những tuần cuối cùng của quý đầu tiên, xương của em bé trong bào thai phát triển rất nhanh. Chúng trồi lên như búp non trên cành cây và phát triển thành các khớp, đốt, ngón ở bàn tay và bàn chân
Tháng 4: Xương cần nhiều canxi để cứng và khỏe
Qua bào thai, cơ thể mẹ chuyển rất nhiều canxi đến em bé để giúp xương trở nên chắc khỏe. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi em bé ra đời. Trung bình, em bé cần phải hấp thụ 30g canxi trong suốt 9 tháng để phát triển hơn 200 xương trên cơ thể. Vì vậy, mẹ hãy đảm bảo bổ sung khoảng 1g canxi mỗi ngày để giúp hệ xương của bé cưng phát triển tốt. Vitamin D có thể giúp bà bầu hấp thụ canxi dễ dàng hơn, và bạn nên kết hợp bổ sung 2 loại dưỡng chất thiết yếu này cùng nhau để tăng cường canxi cho em bé.
Tháng 5 – 6: Khớp xương chân và tay của trẻ có thể cử động
Tháng thứ 5 và 6 đánh dấu giai đoạn rất đáng ghi nhớ vì em bé đã có thể cử động các xương khớp tay, chân. Em bé có thể ngọ nguậy tay và chân từ tuần thứ 18, mẹ cũng có thể nhìn thấy điều này khi siêu âm.
Tháng 7 – 8: Chuyển đổi sụn thành xương
Ở giai đoạn này, bà bầu nên giảm dùng các sản phẩm làm từ sữa vì lúc này, em bé đang bận rộn chuyển đổi sụn thành xương cũng như phát triển cơ bắp và hình thành lớp chất béo bảo vệ cơ thể. Lượng canxi bé cần chỉ khoảng 250 mg/ngày.
Tháng 9: Xương của trẻ vẫn mềm
Sang đến tháng cuối mang thai và giai đoạn cho con bú, mẹ sẽ cần bổ sung nhiều canxi hơn để xương của bé thêm cứng cáp, tránh còi xương, suy dinh dưỡng,… Mẹ cần bổ sung khoảng 1500mg/ngày để cung cấp đủ lượng canxi cho 2 mẹ con đều khỏe mạnh.
Xương của trẻ sơ sinh
Khi vừa sinh xong, xương sọ của trẻ vẫn rất mềm. Phải đến tháng thứ 18, phần xương mềm (thóp) của trẻ mới nối liền hộp sọ của trẻ lại, cứng dần và phát triển cùng các hệ khác của cơ thể. Nhưng phải mất đến 2 – 3 năm, quá trình liền các vết nối xương sọ mới hoàn thiện.
Để hệ xương của trẻ khỏe mạnh và chiều cao phát triển tối ưu, mẹ nên bổ sung canxi cho con từ sữa mẹ và nhiều nguồn thực phẩm khác nữa trong các bữa ăn hàng ngày. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ của trẻ bao gồm chiều cao, cân nặng, dinh dưỡng cũng giúp mẹ theo dõi sự phát triển hệ xương của trẻ tốt hơn.