Có rất nhiều những câu chuyện buồn xoay quanh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Những tưởng việc này là bản năng tự nhiên, rằng sinh xong mẹ nào cũng tràn trề sữa cho con bú. Nhưng có những mẹ không được may mắn như thế, do cơ địa ít sữa, cộng thêm nhiều nguyên nhân tác động khiến sữa ít lại càng ít hơn. Những nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bị ít sữa sau sinh, cùng các nguyên tắc để có được nguồn sữa dồi dào sau đây sẽ là cuốn cẩm nang nho nhỏ nhưng hữu ích dành tặng cho những mẹ ít sữa.
Nghĩ rằng mình sẽ tràn trề sữa ngay
Đây gần như là nguyên nhân chính khiến mẹ rơi vào cảnh ít sữa, không đủ sữa cho con bú. Nhiều bà mẹ do không hiểu đúng về cơ chế tiết sữa sau sinh nên vẫn luôn nghĩ rằng sữa sẽ về nhiều ngay sau khi con chào đời.
Tùy từng cơ địa mỗi người mà sữa sẽ về nhanh hay chậm. Các mẹ sinh theo phương pháp đẻ mổ thường có sữa về chậm hơn các mẹ sinh thường. Thông thường 2-3 ngày, thậm chí có người 4 ngày sau sinh sữa mới bắt đầu về nhiều, còn trước đó, sữa về rất ít. Do hiểu nhầm rằng sữa sẽ về ngay, nên các mẹ lo lắng, hoang mang, nghĩ rằng mình ít sữa. Ngoài ra còn do tâm lý sợ con đói, nên đã vội vàng cho con bú sữa công thức song song với sữa mẹ. Tâm lý tự dằn vặt, tự trách bản thân là người mẹ không tốt ảnh hưởng nhiều đến cơ chế tiết sữa. Và thế rồi, sữa mẹ cứ ít dần đi.
Trầm cảm sau sinh
Hiện tượng trầm cảm sau sinh là hiện tượng phổ biến, thường gặp ở đến 80% trường hợp. Tuy nhiên lại ít được nói ra và nhìn nhận như một vấn đề nghiêm túc. Do nhiều yếu tố kết hợp như cơ thể mệt mỏi, sự thay đổi hormone, chưa kịp thích nghi với cuộc sống có con nhỏ, kiêng cữ sau sinh khiến mẹ lâm vào trạng thái trầm cảm. Trầm cảm sau sinh có nhiều biểu hiện khác nhau như chán ăn, lầm lì, hay khóc, dễ bị kích động, có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí ghét con, ghét tất cả mọi người xung quanh.
Trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm, mà ảnh hưởng đầu tiên nhất là ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Mà khi đã ít sữa, chúng ta lại có thói quen thay thế ngay bằng sữa công thức. Bé bú mẹ ít đi, khiến sữa đã ít lại càng ít hơn.
Mẹ chưa đủ cố gắng
Thường chỉ sau 1 tháng ít sữa, các mẹ đã từ bỏ, không cố gắng để có đủ sữa cho con bú nữa. Sau sinh tâm lý mẹ dễ bị kích động, những câu nói như “mẹ gì mà không đủ sữa cho con bú” cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của mẹ.
Hãy giải tỏa tâm lý, không tự trách bản thân, luôn nghĩ rằng mình sẽ đủ sữa cho con bú, chắc chắn mẹ sẽ theo kịp hành trình cho con bú sữa mẹ kỳ diệu này.
Chưa hiểu hết về cơ chế tiết sữa mẹ
Sữa mẹ tiết theo cơ chế bé bú càng nhiều, sữa mẹ ra càng nhiều. Khi cho bé bú, mẹ bế bé áp sát vào người mình và quan sát động tác mút của bé, điều này vô tình làm cho hormone oxytocin hoạt động mạnh hơn, tăng tiết sữa ở mẹ. Việc “lười” cho bé bú, hoặc bé bỏ bú mẹ cũng khiến lượng sữa tiết ra bị ít đi. Mẹ cần khắc phục tình trạng này. Trường hợp nếu bé bỏ bú mẹ, có thể dùng máy vắt sữa, dụng cụ hút sữa để vắt sữa ra, đồng thời kích thích tuyến sữa sản xuất sữa mẹ.
Sai lầm trong kiêng cữ sau sinh
Việc kiêng khem quá mức trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ bị ít sữa. Những thực đơn lặp đi lặp lại (thường là cháo móng giò, thịt nạc nấu nghệ, canh rau ngót) gây chán ăn, mất cảm hứng ăn uống hoặc có ăn nhưng tiêu hóa không tốt. Khi dinh dưỡng không được đảm bảo, sữa mẹ cũng tiết ra ít dần đi.
Ngoài ra, ở lì trong phòng, kiêng nắng kiêng gió, ít giao tiếp với mọi người cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý sản phụ. Tâm lý không thoải mái cũng làm cản trở quá trình tiết sữa của bầu ngực.
Bị “tẩy não” bởi các quảng cáo sữa công thức
Những quảng cáo nói quá sự thật của các loại sữa công thức khiến nhiều người tin rằng sữa công thức tốt hơn sữa mẹ. Thực tế sữa công thức có hàm lượng protein và canxi cao hơn hàm lượng có trong sữa mẹ. Nhưng đây lại là loại protein và canxi khó hấp thụ, ngược lại hoàn toàn với sữa mẹ. Sữa mẹ là loại sữa được thiết kế hoàn hảo nhất và luôn phù hợp nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Thời gian kiêng cữ ở nhà chồng
Chuyện ở cữ ở nhà chồng cùng những xung đột trong mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu là chuyện muôn thuở, thực ra không thể tránh được. Nếu được nhà chồng tâm lý hiểu, thông cảm và chăm sóc như con đẻ, thì đó là một may mắn. Còn không nếu quá xung đột và căng thẳng, nên xin về nhà mẹ đẻ nếu được cho phép. Giai đoạn này mẹ cần nghĩ cho bản thân mình và cả cho con. Có tinh thần thoải mái thì mới có thể chăm sóc con tốt được.
Nguyên tắc mẹ ít sữa cần nhớ để có đủ sữa cho con
– Tham khảo các kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ.
– Đa dạng khẩu phần ăn hàng ngày. Mẹ chỉ cần kiêng một số món như thực phẩm cay nóng, thực phẩm tính hàn như cua ốc, hạn chế tỏi ớt, thì là. Uống nhiều nước, càng nhiều càng tốt.
– Cho bé bú thường xuyên, kể cả khi ít sữa.
– Kích sữa đều đặn, không có sữa vẫn phải kích sữa. Kích sữa cứ mỗi 3 tiếng/ lần.
– Cho bé bú nhiều vào ban đêm, vì ban đêm là thời điểm sữa sản xuất nhiều nhất.
– Giữ tâm lý thoải mái, tự tin rằng mình đủ sữa cho con bú. Nếu có khó khăn nên giãi bày với chồng, người thân. Tránh bị trầm cảm sau sinh.
– Hàng ngày da tiếp da với bé để tăng tình cảm mẹ con, kích thích sản xuất hormone oxytocin, từ đó tăng tiết sữa mẹ. Da tiếp da có nhiều tác dụng nhất trong 1 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên những tháng sau đó mẹ vẫn có thể cho bé da tiếp da.