Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom, bệnh có nguyên nhân chủ yếu từ chế độ sinh hoạt không điều độ. Bệnh trĩ có nhiều giai đoạn và để chẩn đoán chính xác được bệnh cần dựa vào dấu hiệu bệnh trĩ cũng như quá trình phát triển của bệnh.
Bệnh trĩ về cơ bản có 3 dạng chính là bệnh trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.
Cách chẩn đoán cho từng loại bệnh trĩ
– Chẩn đoán trĩ nội: Trĩ nội xuất hiện triệu chứng đại tiện máu đỏ và làm cho búi trĩ lòi ra bên ngoài hậu môn khi bệnh đã phát triển nặng. Tiến hành thăm trực tràng cho thấy búi trĩ nội là một khối mềm, ấn xẹp, buông phồng, khi sa ra ngoài có màu đỏ tươi, bề mặt ướt.
– Chẩn đoán trĩ ngoại: Kiểm tra vùng hậu môn, bác sĩ chuyên khoa có thể quan sát toàn bộ phần da của ống hậu môn (bên dưới đường lược). Trĩ ngoại là búi phồng có màu đỏ sẫm, bề mặt khô, trong búi trĩ ngoại có thể hình thành các cục huyết khối dạng nốt màu tím sẫm, ấn có cảm giác cứng chắc, gây đau cho người bệnh. Búi trĩ ngoại bị huyết khối có thể diễn tiến xơ hoá sau 10-14 ngày, tạo thành mẩu da thừa.
– Chẩn đoán trĩ hỗn hợp: Ngoài những triệu chứng tổng hợp của trĩ nội và trĩ ngoại xuất hiện đồng thời thì khi búi trĩ nghẹt có thể quan sát thấy hai phần riêng biệt. Phần trên đỏ tươi và ướt, phần dưới đỏ sẫm và khô, giữa có rãnh tương ứng với đường lược.
Chẩn đoán cũng như điều trị bệnh trĩ nên được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa, các bạn không nên tự chữa bệnh ở nhà tránh để bệnh trở nên nặng hơn.