Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm chung của người Việt Nam khoảng 70% và chỉ 1-2% số người bị nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng.
Vì vậy, việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe dạ dày cũng như phòng tránh các biến chứng trong tương lai.
4 phương pháp xét nghiệm HP dạ dày (test HP)
Có nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành xét nghiệm nhiễm khuẩn HP dạ dày. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, và được lựa chọn tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi cơ sở y tế cũng như theo nhu cầu, tình trạng của người bệnh.
1. Phương pháp Nội soi dạ dày xét nghiệm HP
Nội soi can thiệp làm Clo-test chẩn đoán nhiễm H.pylori là kỹ thuật lấy một mẫu bệnh phẩm dạ dày qua nội soi dạ dày sau đó làm Test để xác định tình trạng nhiễm HP của mô dạ dày.
Khi nào cần thực hiện
Các trường hợp nội soi dạ dày phát hiện có tổn thương viêm hoặc loét
Các trường hợp cần làm xét nghiệm tìm H.pylori
Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Chống chỉ định
Các trường hợp chống chỉ định nội soi dạ dày
Các trường hợp bệnh nhân rối loạn đông máu, cầm máu (Tỷ lệ Prothrombin dưới 50% và tiểu cầu dưới 50G/L)
Các bước tiến hành
Bác sĩ khám lâm sàng cho bệnh nhân trước khi tiến hành nội soi
Bệnh nhân được thực hiện nội soi dạ dày bởi bác sĩ nội soi
Trong khi nội soi, bác sĩ dùng kim sinh thiết lấy 2 mảnh ở hang vị và thân vị dạ dày.
Cho bệnh phẩm vào một ống nghiệm nhỏ và ngâm mảnh sinh thiết trong một hỗn hợp dung dịch. Sau 5-10 phút đọc kết quả.
Nếu dung dịch đổi sang màu hồng cánh sen là Test H.pylori dương tính.
Ưu điểm
Phương pháp giúp xét nghiệm vi khuẩn HP đồng thời phát hiện các tổn thương ở thành dạ dày, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về bệnh lý dạ dày.
Tiết kiệm chi phí cho nội soi. Hiện thông thường các bệnh viện, phòng khám thường gộp nội soi dạ dày và xét nghiệm HP thành một gói để tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Nhược điểm
Không phù hợp cho những người bệnh không được nội soi tiêu hóa.
Người bệnh có thể cảm thấy đau khi nội soi, nếu lựa chọn nội soi gây mê vẫn sẽ có cảm giác hơi vướng ở cổ họng sau khi nội soi.
2. Phương pháp Test thở tìm vi khuẩn HP
Xét nghiệm Urea qua hơi thở là một test đơn giản cho phép xử lý hơi thở của bệnh nhân để phát hiện nhiễm khuẩn HP.
Đây là xét nghiệm được xem như “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm.
Chỉ định xét nghiệm khi nào
Theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị diệt HP
Chẩn đoán nhiễm HP, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi không có chỉ định nội soi dạ dày.
Chuẩn bị
Không ăn uống trước khi thực hiện test thở ít nhất từ 4-6 tiếng đồng hồ
Dừng thuốc kháng sinh ít 4 tuần trước khi làm test thở
Dừng thuốc PPI ít nhất 1 tuần trước khi làm test thở
Dừng thuốc Sucralfate ít nhất 2 tuần trước khi làm test thở
Các chuẩn bị khác theo hướng dẫn của cán bộ y tế
Các bước tiến hành
Bước 1: thở vào túi đựng mẫu thứ 1 trước khi uống viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 13C. Chú ý khi lấy mẫu hơi thở:
Ngậm túi lấy mẫu hơi thở vào miệng, hít vào bằng mũi và giữ hơi thở trong vòng 5-10 giây.
Thở từ từ vào túi lấy mẫu
Khi thở vào túi, chú ý hơi thở phải ra từ phổi
Bước 2: uống ngay (trong vòng 5 giây) 1 viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 13C khi bụng đói với 100ml nước. Không nhai, làm nát hoặc hòa tan viên thuốc.
Bước 3: sau khi uống viên thuốc nằm nghiêng trái 5 phút
Bước 4: ngồi yên trong 15 phút
Bước 5: 20 phút sau khi uống thuốc, thở lần nữa vào túi đựng mẫu hơi thở thứ 2. 2 túi mẫu hơi thở trước và sau khi uống thuốc sẽ được mang đi phân tích bằng máy quang phổ kế.
Bước 6: Cán bộ y tế đọc và trả kết quả cho bệnh nhân
Ưu điểm
Phương pháp có độ nhạy cao (95%), độ chính xác cao (88%).
Tiết kiệm thời gian cho người bệnh, thông thường vào khoảng 30 phút là người bệnh đã hoàn thành xong và có kết quả.
Không gây đau.
Phù hợp với người không được nội soi mà vẫn muốn xét nghiệm vi khuẩn HP.
Nhược điểm
Không theo dõi được các tổn thương khác tại dạ dày.
Một số loại đồng vị phóng xạ có chứa tia X, tuy ở mức rất thấp nhưng không thực hiện được cho trẻ em.
3. Phương pháp Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân được sử dụng để xác định xem có vi khuẩn Hp trong đường tiêu hóa hay không bằng cách tìm kháng nguyên của vi khuẩn Hp lẫn trong phân. Kháng nguyên là các phần tử kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn.
Khi nào thì cần thiết
Dấu hiệu của loét dạ dày tá tràng, như là khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, mau no, nôn, buồn nôn, thường xuyên ợ hơi.
Sau quá trình sử dụng phác đồ điều trị vi khuẩn Hp để đánh giá hiệu quả diệt Hp của phác đồ điều trị.
Chuẩn bị
Mẫu phân thường được thu thập tại nhà
2 tuần trước khi làm xét nghiệm này, người bệnh không được phép sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc trung hòa acid dạ dày, bismuth, thuốc bao vết loét dạ dày, thuốc kháng acid.
Nếu không thể mang tới ngay trung tâm xét nghiệm thì mẫu phân cần phải bảo quản trong điều kiện lạnh.
Thời gian nhận kết quả: Xét nghiệm tìm Hp trong phân thường có kết quả sau 1 – 4 ngày.
Ưu điểm
Có thể phát hiện một số bệnh lý thông qua xét nghiệm, phân mẫu phân.
Nhược điểm
Thời gian xét nghiệm và chờ nhận kết quả lâu.
Không quan sát được các tổng thương khác ở dạ dày.
4. Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP
Bằng cách tìm kháng thể chống lại HP trong máu cho phép xác định trong thời gian gần đây có bị nhiễm HP hay không. Vì kháng thể trong máu giảm rất chậm, do đó sau điều trị diệt hết HP, nồng độ kháng thể vẫn tiếp tục còn lại trong máu của người bệnh sau một thời gian dài, bởi vậy phương pháp này không thể xác định hiện tại bệnh nhân còn nhiễm hay đã hết nhiễm HP.
Tuy nhiên, đây không phải loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện, chỉ những cơ sở không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới thực hiện xét nghiệm này. Lý do là vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở một số khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột nhưng hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là mặc dù vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiệt trừ hết, tuy nhiên, kháng thể kháng HP vẫn có thể lưu hành trong máu trong thời gian một vài tháng tới một vài năm sau đó.