Độc giả Hoàng Nga chia sẻ: “Cả thai kỳ em không nghén ngẩm gì, em lại ăn uống rất tốt nên cân nặng cứ tăng ầm ầm. Nói ra thì xấu hổ và có thể khiến không ít chị em “choáng” nhưng nói thật là 9 tháng bầu bí em tăng cả thảy 28kg. Hiện tại em đang mang bầu tuần thứ 38 mà đã nặng hơn 80kg rồi. Em lại làm công việc tiếp viên hàng không nên rất cần giữ dáng sau sinh. Vì vậy em vô vùng lo lắng vì sợ với vóc dáng này chắc em bị đuổi việc sau 6 tháng nghỉ sinh mất.
Hôm trước tìm hiểu trên mạng em được biết có thủ thuật bóc mỡ bụng trong quá trình sinh mổ. Em nghĩ chắc bụng em bây giờ đang chứa hàng “rổ” mỡ mất. Em rất muốn thực hiện phương pháp này để vòng eo nhanh thon gọn sau sinh. Vậy nhưng em cũng đang phân vân không biết làm như thế có nguy hiểm gì không vì nghe nói phẫu thuật bóc mỡ bụng cũng nhiều biến chứng lắm mà lại cùng với mổ đẻ nữa thì hơi sợ”.
Trước câu hỏi của bạn Hoàng Nga và thắc mắc về bóc mỡ bụng từ một số chị em khác, Bác sĩ CK1 Sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện làm việc tại phòng khám sản phụ khoa Song Hà) sẽ giải đáp một số thông tin cụ thể.
Xin bác sĩ cho biết khi bóc mỡ bụng trong lúc mổ đẻ có tiềm ẩn nguy cơ gì với sản phụ? Có nên tiến hành vừa mổ đẻ vừa bóc mỡ bụng hay không?
Khi can thiệp bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào bạn cũng sẽ có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng sau mổ. Do vậy nếu bạn muốn vừa mổ sinh kết hợp mổ bóc mỡ bụng tức là nguy cơ của bạn sẽ tăng gấp đôi. Chính vì thế hầu như các bác sĩ khuyên không nên thực hiện 2 loại phẫu thuật này cùng một lúc.
Khi vừa sinh mổ xong cơ thể bạn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật mệt mỏi, ngoài việc đối mặt với các nguy cơ biến chứng sau hậu phẫu như :
+ Nhiễm khuẩn, băng huyết, tắc mạch huyết khối.
+ Xuất huyết nội
+ Nhiễm trùng vết mổ, có thể phải cắt tử cung thời gian hậu phẫu.
+ Tai biến phẫu thuật do phạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản, gây dò bàng quang – tử cung, dò bàng quang – âm đạo.
+ Tai biến do gây mê hồi sức…
Lúc đó mà cơ thể lại gánh thêm một lại thêm một nguy cơ của bóc mỡ bụng nữa như: chảy máu, thuyên tắc mạch, nhiễm trùng.. thì thật là không nên. Do vậy để tạo sự an toàn cho sức khỏe của bạn, bạn không nên kết hợp làm 2 loại này cùng lúc bạn nhé!
Bóc mỡ bụng khi đẻ mổ sẽ khiến bạn gặp nhiều nguy cơ nhiễm trùng.(Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ, bóc mỡ bụng ngay khi mổ đẻ liệu có tiềm ẩn nguy cơ xấu nhất là gì?
Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể sẽ phải đối mặt với cả hai nguy cơ biến chứng của vừa mổ đẻ và biến chứng bóc mỡ bụng như tôi vừa nêu trên.
Có ý kiến nói khi mổ đẻ mà còn bóc mỡ bụng sẽ đối diện với nguy cơ nước ối tràn vào bụng, xin bác sĩ nói rõ hơn về vấn đề này?
Khi mổ đẻ, lúc rạch cơ tử cung để lấy em bé ra ngoài đương nhiên sẽ có một ít lượng nước ối vào ổ bụng, nếu bạn có tình trạng ối vỡ non hay vỡ sớm trước đó thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và những vùng lấy mỡ sẽ rất cao do nhiễm nước ối và các loại dịch trong ca mổ đẻ.
Khi thực hiện bóc mỡ bụng cần lưu ý điều gì?
Nên được thực hiện tại các bệnh viện uy tín, bác sĩ tay nghề cao và được làm đầy đủ các xét nghiệm và được kiểm soát tốt về các vấn đề bệnh lý liên quan đến tim mạch tiểu đường, rối loạn đông máu cũng như chức năng gan thận…trước khi tiến hành phẫu thuật
Theo bác sĩ, sản phụ có cách nào để giảm mỡ bụng mà không cần bóc mỡ bụng không?
Để giảm mỡ bụng mà không cần bóc mỡ bụng bạn phải rèn luyện ý chí kiên trì lâu dài, chứ không thể nhanh một sớm một chiều ngay được. Bên cạnh đó kết hợp với một số cách sau như:
– Tập thể dục, vận động thường xuyên: cơ thể bạn thường có xu hướng giảm mỡ bụng khiến bạn giảm cân bằng cách tập thể dục.
Tuy nhiên do đang mang thai nên tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng hoặc tập Yoga để tránh ảnh hưởng đến thai.
– Chế độ ăn hợp lý: Hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm đã qua chế biến sẽ giúp bạn giảm mỡ bụng. Tránh các đồ chiên , ngũ cốc đã tinh chế và đồ ăn vặt cũng như các đồ uống có đường sẽ làm mỡ bụng của bạn tích lũy nhiều.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Khi mang thai bạn cần lưu ý – Bạn nên có chế độ ăn đầy đủ chất tránh kiêng khem quá mức ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. – Tăng cân hợp lý trong thai kỳ từ 10 – 12kg. – Bạn nên nhớ để tránh mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng là một quá trình kết hợp lâu dài hợp lý giữa chế độ ăn và vận đông thường xuyên. – Nói chung trong thời kỳ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ nên ăn uống đầy đủ, chỉ nên giảm cân bằng các biện pháp dinh dưỡng, tập luyện. Hút mỡ nên thực hiện sau thời kỳ trên. Hết sức thận trọng với các phẫu thuật hút mỡ, căng da bụng vì có nhiều biến chứng sau mổ, chỉ nên làm ở bệnh viện lớn thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm để tránh những các nguy cơ của các phẫu thuật trên. |