Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể người phụ nữ. Khi thai nhi đủ tháng đủ ngày, các cơ quan chức năng cơ bản hoàn thiện, khi đó cơn chuyển dạ sẽ bắt đầu, kết thúc quá trình 9 tháng 10 ngày mang thai. Nhờ các cơn co chuyển dạ, tử cung co bóp mạnh giúp thai nhi được đẩy ra ngoài qua ống sinh. Đây là quá trình tự nhiên và là bản năng của phụ nữ. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như mẹ gặp các vấn đề đặc biệt về sức khỏe, khung chậu bất thường, cạn ối, suy thai, nhau tiền đạo, sẽ được chỉ định mổ lấy thai chủ động thay vì sinh thường tự nhiên. Mổ lấy thai chủ động có thể được thực hiện khi bắt đầu chuyển dạ hoặc thậm chí khi chưa có chuyển dạ.
Ngoài trường hợp mổ lấy thai chủ động trên, còn có những trường hợp mổ lấy thai cấp cứu ngay khi đang chuyển dạ. Có thể do một số nguyên nhân như xuất hiện biến chứng bất thường, không thể sinh theo ngả âm đạo hoặc có vấn đề nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé, cần mổ cấp cứu ngay.
So với sinh thường tự nhiên, sinh mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro như mẹ dễ bị nhiễm trùng, nguy cơ bị băng huyết, mất máu. Không những thế, trẻ sinh theo phương pháp đẻ mổ có sức đề kháng kém hơn do không được nhận những lợi khuẩn khi đi qua ngả âm đạo của mẹ.
Sản phụ đẻ mổ cần thời gian hồi phục lâu hơn, thông thường từ 2-4 tuần mới hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó sau khi sinh thường, sản phụ có thể chăm sóc con ngay.
Vì vậy những mẹ sinh mổ cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề chăm sóc, kiêng cữ và dinh dưỡng sau sinh để vết mổ nhanh khô, mau hồi phục và tránh được những biến chứng có liên quan.
Cơ thể của mẹ sau sinh mổ
Sau sinh mổ, sản phụ sẽ được chuyển sang phòng hậu phẫu theo dõi 6 tiếng. Lúc này thuốc tê vẫn còn tác dụng nên mẹ vẫn chưa cảm thấy đau hay khó chịu. Sản phụ cũng được cho thuốc giảm đau, thường là thuốc giảm đau theo đường hậu môn. Trong 6 tiếng này, sản phụ nên ngủ để lấy lại sức.
Tùy cơ địa mà mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau với thuốc gây tê. Một số tác dụng phụ của thuốc gây tê có thể khiến sản phụ khó chịu như buồn nôn, nôn, lạnh, run người. Sản phụ nên nằm thẳng người, đầu nghiêng sang một bên để đề phòng bị nôn trớ.
Khi thuốc gây tê hết, mẹ sẽ cảm thấy hơi đau nhức tại vùng vết mổ. Đồng thời lúc này tử cung co hồi lại về kích cỡ trước khi sinh cũng khiến cảm giác đau xuất hiện rõ rệt hơn. Nếu quá đau, sản phụ có thể nói với bác sỹ về việc cho thêm thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, nên bạn có thể yên tâm sử dụng.
Sau sinh mổ, bất cứ vật gì dù nhẹ như chiếc gối đặt lên bụng cũng khiến sản phụ đau tức. Mẹ có thể cảm thấy rất bình thường khi nằm yên hoặc ngồi yên tại một tư thế, nhưng khi thay đổi tư thế sẽ rất khó khăn và đau. Ngoài ra khi ho, cười lớn, hắt hơi cũng khiến mẹ bị đau nhiều.
Cho con bú và vận động sau mổ
Sau 6 tiếng nằm hậu phẫu, mẹ sẽ được về phòng bệnh và đón con. Việc đầu tiên mẹ cần làm là cho con bú ngay và cho con da tiếp da với mẹ. Thuốc gây tê hay thuốc giảm đau không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Khi cho bé bú, tránh tư thế gây chèn ép vào vết mổ. Tư thế tốt nhất là mẹ nằm nghiêng, dùng gối bảo vệ vết mổ, rồi mẹ đặt bé nằm nghiêng, mặt hướng về bầu sữa mẹ. Tư thế khác là tư thế mẹ nằm ngửa, bé nằm sấp vắt ngang người mẹ. Tư thế này miệng bé ngậm một bên ti mẹ, còn phần thân dưới đặt gần bên ti còn lại.
Sau khi bú no, bé sẽ đi vệ sinh hoặc ngủ ngay. Lúc này mẹ cố gắng tranh thủ vận động, đi lại càng sớm càng tốt. Dù việc di chuyển sẽ khiến mẹ rất đau nhưng không vì thế mà nằm bất động trên giường. Vận động nhẹ nhàng bằng cách tập đi bộ thật chậm giúp nhu động ruột hồi phục nhanh, giảm nguy cơ táo bón. Lười vận động dễ dẫn đến nguy cơ dính ruột, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, đông máu…
Lưu ý những sản phụ sức khỏe quá yếu, mất máu nhiều, bị choáng hoặc vừa trải qua ca sinh khó thì cần nghỉ ngơi vài ngày trước khi bắt đầu đi bộ trở lại.
Trong vòng 8 tuần sau sinh, mẹ không nên làm việc nhà hoặc mang vác vật nặng. Từ 6-8 tuần sau sinh, có thể bắt đầu tập các bài tập giảm cân hoặc thư giãn sau sinh nhưng nên có sự tư vấn của bác sỹ.
Chú ý khi chăm sóc vết mổ sau sinh
Trong thời gian nằm viện, các điều dưỡng sẽ chăm sóc vết mổ cho sản phụ. Thông thường khoảng 3-5 ngày, vết mổ sẽ khô. Trước khi ra viện, bác sỹ sẽ dặn dò sản phụ về việc chăm sóc vết mổ. Do khâu bằng chỉ tự tiêu và vết mổ cũng đã khô, nên khi về nhà sản phụ có thể tắm bình thường. Nhưng tuyệt đối không được ngâm mình trong bồn nước, chỉ nên tắm vòi hoa sen và tấm nhanh. Sau khi tắm, lau sạch vết mổ cho khô rồi mới mặc quần áo. Tuyệt đối không băng kín vết mổ, không tự ý dùng thuốc kháng sinh đắp lên vết mổ.
Một số trường hợp sau 2-3 tuần khi cơ thể gần như hồi phục hoàn toàn, mẹ phát hiện một đầu vết mổ bị hở (rất nhỏ) và không liền như những chỗ khác. Đây không phải là dấu hiệu nguy hiểm, đa phần là do cơ địa phản ứng với chỉ tự tiêu. Nhưng mẹ vẫn nên đến bác sỹ khám và kiểm tra. Bác sỹ sẽ kê cho mẹ loại dung dịch vệ sinh vết mổ để chỗ hở đó nhanh lành sẹo.
Dinh dưỡng sau sinh mổ
Vài giờ sau sinh mổ mẹ nên uống nhiều nước, ăn cháo trắng loãng. Khi này dạ dày còn rất yếu, nếu ăn thức ăn đặc, nhiều chất sẽ khó tiêu hóa, làm cơ thể mệt mỏi thêm, hồi phục lâu hơn. Mẹ duy trì chế độ ăn loãng cho đến khi đánh hơi được (trung tiện) thì chuyển sang thức ăn đặc hơn.
Khi về nhà, mẹ có thể quay trở lại chế độ ăn bình thường. Tập trung vào các thực phẩm giúp tử cung co hồi nhanh và nhanh lành vết mổ như rau xanh, cam, quýt, cà rốt, bưởi, thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Ngoài ra tăng cường uống nhiều nước (nước canh, sữa, nước hoa quả, nước lọc…) để tránh táo bón và đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể. Để tránh sẹo lồi, mẹ hạn chế ăn rau muống, thịt gà, hải sản.
Nói chung, duy trì chế độ ăn nhiều đạm, canxi và chất xơ, kết hợp uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, hạn chế ăn tinh bột sẽ giúp mẹ hồi phục nhanh sau sinh mổ, không bị tăng cân nhiều mà vẫn đủ sữa cho con bú.
Những dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý
Lựa chọn phương pháp sinh mổ, mẹ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng vết mổ khá cao. Vì vậy trong quá trình chăm sóc, hồi phục, cũng cần theo dõi cơ thể, chú ý đến những dấu hiệu sau:
– Vết mổ nóng, sưng, tấy đỏ hoặc tiết dịch bất thường
– Ngày càng đau tại vùng vết mổ hoặc đau nhói thường xuyên
– Đau khi đại tiện, tiểu tiện
– Sản dịch có mùi hôi
– Sốt cao trên 39 độ C