Mẹ nào cũng biết bầu bí đồng nghĩa với việc cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều, dáng người không còn “mi nhon” như trước, mái tóc biến đổi và làn da cũng bị xấu đi khi mang thai. Làm thế nào để mẹ luôn giữ được làn da mịn màng, trắng hồng rạng rỡ?
Dưới đây là một số “tác dụng phụ” của bầu bí ảnh hưởng đến làn da của mẹ và một vài lời khuyên giúp mẹ có một làn da như ý muốn ngay cả trong thời gian “đeo ba lô ngược”.
Mang thai khiến da mẹ bị xấu đi. (ảnh minh họa).
Mụn trứng cá
Ngắm lại những bức ảnh trước đây, mẹ nhận ra làn da trắng mịn bao chị em ao ước của mình đang bị mụn trứng cá “hoành hành”. Mang thai khiến nội tiết tố thay đổi, đó là nguyên nhân chính khiến mụn trứng cá ghé thăm mẹ, tuy nhiên điều này là một dấu hiệu tốt cho thấy nội tiết tố đang thay đổi đúng hướng, bận rộn giúp bé yêu của mẹ phát triển. Đây là hiện tượng phổ biến mà các mẹ bầu thường gặp phải vì thế mẹ đừng quá lo lắng. Mẹ sẽ lấy lại được làn da như xưa sau khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ. Bác sĩ khuyên các mẹ nên ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và uống nhiều nước, rửa mặt nhẹ nhàng và tuyệt đối không được bóp, nặn mụn. Mẹ cũng không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc, kem trị mụn nào nếu không được sự đồng ý của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.
Vết rạn da
Hầu hết chị em phụ nữ đều bị rạn da ở bụng hoặc ngực khi mang thai. Nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn có vết rạn da, bạn cũng không tránh được điều này khi có thai. Hiện nay chưa có bất cứ loại kem đặc trị nào có thể xóa hoặc ngăn ngừa vết rạn da, tuy nhiên, một số biện pháp sau đây có thể giúp mẹ giảm bớt phần nào rạn da khi bầu bí:
– Một trong những phương pháp được nhắc đi nhắc lại khi chăm sóc da đó là uống nhiều nước. Nước sẽ giúp da mẹ đủ độ ẩm và trở nên mịn màng.
– Không để tăng cần quá mức, quá nhanh. Mẹ tất nhiên sẽ tăng cân trong quá trình mang thai, nhưng hãy chắc chắn rằng mẹ không thực sự “ăn cho hai người”. Chỉ cần tăng thêm 500 calo trong khẩu phần ăn hàng ngày là mẹ đã cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Không ăn quá nhiều, không ăn kiêng nhưng mẹ nhớ đảm bảo ăn uống lành mạnh, đủ chất.
– Mặc áo ngực dành cho phụ nữ có thai. Khi mang thai, cỡ áo của mẹ chắc chắn sẽ tăng một vài size, vì thế mẹ cần trang bị một chiếc áo lót phù hợp với vòng ngực mới. Mặc áo lót đúng size sẽ giúp mẹ cảm thấy thoải mái, tự tin khi hoạt động và cũng là giảm rạn da.
– Các loại kem hoặc tinh dầu không thể ngăn chặn vết rạn da nhưng mẹ có thể dùng để bôi cho bụng thường xuyên. Chúng có tác dụng tương đối tốt để giảm triệu chứng ngứa da.
– Hỏi ý kiến bác sĩ, kiểm tra bất cứ loại tinh dầu, hương liệu xem chúng có an toàn cho mẹ bầu hay không trước khi mẹ sử dụng.
Hầu hết thai phụ đều bị rạn da ở ngực hoặc bụng trong thai kỳ (ảnh minh họa)
Vết dọc bụng
Xuất hiện đường thẳng màu tối chạy dọc từ rốn xuống đến xương mu của mẹ bầu là do các hoocmon thai kỳ. Với một số mẹ, vết dọc bụng tương đối đậm và rõ nét, một số khác chỉ là đường thẳng mờ mờ. Thực tế, ngay từ khi chưa mang bầu, vùng bụng của bạn đã xuất hiện đường thẳng này rồi, chỉ là nó chưa thật rõ nên mẹ có thể không nhận ra mà thôi.
Mẹ không cần quá bận tâm đến chúng bởi vết dọc này sẽ mờ dần sau khi bé được sinh ra. Nhiều mẹ cũng truyền tai nhau một “mẹo” để đoán mình đang mang bầu bé trai hay bé gái dựa vào vết dọc bụng này: nếu như đường dọc đậm, khả năng cao là mẹ sắp đón một cậu nhóc, ngược lại, nếu vết dọc bụng mờ, mẹ có thể bắt đầu sắm đồ cho cô công chúa nhỏ của mẹ rồi đấy.
Ngứa bụng
Nhiều mẹ cảm thấy ngứa bụng khi bụng bầu dần to lên. Da căng ra và khô khiến mẹ thấy ngứa ngáy và khó chịu. Đừng gãi, mẹ càng gãi càng cảm thấy ngứa hơn mà thôi. Mẹ có thể áp dụng một số cách sau để giảm ngứa.
– Uống đủ nước vẫn luôn là phương pháp dễ dàng và hữu hiệu để dưỡng ẩm da, giảm ngứa.
– Tăng cường độ ẩm cho da. Mẹ nên tìm một loại kem dưỡng ẩm chất lượng tốt, nhớ kiểm tra kĩ thành phần. Nếu thành phần đầu tiên của nó là nước, loại kem này chỉ là một cách chữa trị tạm thời; mẹ hãy tìm loại kem dạng đặc hoặc dạng thuốc mỡ có hàm lượng dầu cao sẽ có hiệu quả dưỡng ẩm tốt hơn nhiều.
– Không tắm nước quá nóng, nước quá nóng khiến da mẹ càng trở nên khô ráp. Tắm nước ấm với một chút bột yến mạch hoặc dầu tắm sẽ giúp giảm ngứa.
– Mặc quần áo rộng rãi và không để quá nóng. Nhiệt độ cao có thể khiến mẹ cảm thấy ngứa hơn rất nhiều, vì vậy mẹ nên tránh đi ra ngoài vào buổi trưa khi nhiệt độ ngoài trời cao nhất trong ngày và mặc quần áo cotton thấm được mồ hôi, rộng thoáng để đảm bảo mẹ không quá nóng.
– Luôn nhớ liên hệ với bác sĩ khi mẹ thấy có dấu hiệu của bệnh phát ban hay quá ngứa.
Nám da
Vết nám thường xuất hiện chủ yếu ở các bộ phận tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như mũi, gò má, trán…Nám da cũng thường gặp ở các chị em có làn da sẫm màu, tóc và mắt đen. Để ngăn nám da lan rộng, các mẹ có thể thực hiện theo một vài chú ý dưới đây:
– Tránh xa ánh mặt trời vào buổi trưa.
– Mặc quần áo chống nắng.
– Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF > 30+
– Sử dụng kem che khuyết điểm, mẹ nhớ lựa chọn cẩn thận loại mỹ phẩm phù hợp với làn da của mình.
– Dưỡng ẩm thường xuyên.
– Hỏi ý kiến bác sĩ nếu mẹ muốn sử dụng các phương pháp điều trị nám da.
Uống đủ nước và ăn uống lành mạnh sẽ “hồi sinh” làn da của mẹ (ảnh minh họa)
Mang thai “làm xấu đi” làn da của mẹ, nhưng khó chịu này chắc hẳn không đáng nhắc đến so với niềm vui được đón bé yêu. Những “tác dụng phụ” đối với làn da sẽ chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ” nếu mẹ uống đủ nước và ăn uống tốt, làn da trắng hồng rạng rỡ sẽ sớm quay trở lại với mẹ.
Một lời khuyên cuối các bác sĩ dành cho mẹ đó là hãy đơn giản hóa các thói quen chăm sóc da. Làn da vẫn có thể được chăm sóc tốt từ các thói quen đơn giản và các sản phẩm chăm sóc tự nhiên. Hơn thế nữa, đơn giản hóa các bước chăm sóc da ngay từ khi mang bầu cũng sẽ trở thành thói quen tốt của mẹ khi bé yêu sinh ra, việc chăm sóc bé bận rộn chắc hẳn mẹ sẽ không có nhiều thời giờ để dành cho thói quen làm đẹp tốn nhiều thời gian.