Ngày 16-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm.
Nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 1,366 BV với 38 BV tuyến trung ương, 492 BV tuyến tỉnh, 629 BV tuyến huyện và 31 BV ngành cùng với hơn 10 trạm y tế xã, phương. Trong số hơn 20 triệu xét nghiệm được thực hiện hàng năm, 20% là xét nghiệm được chỉ định bởi các BV tuyến trung ương, 54% là BV tuyến tỉnh, còn lại là tuyến khác.
Theo ông Nguyễn Trong Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, hiện cả nước có 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, nhưng với số lượng lớn các cơ sở y tế nêu trên, việc kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm vẫn còn là điều khá khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Khoa cũng thừa nhận, hiện trong công tác quản lý chất lượng xét nghiệm vẫn tồn tại nhiều khó khăn như nhận thức của lãnh đạo các cơ sở y tế còn hạn chế, chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác xét nghiệm, chưa nhận thức được xét nghiệm là khâu rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh tại cơ sở mình nên còn hạn chế trong đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng.
Bệnh viện còn nhiều hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất (Ảnh minh họa)
“Đó còn chưa kể hiện nguồn nhân lực cho công tác kiểm chuẩn xét nghiệm còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng, khó thu hút được nguồn nhân lực mới”, ông Khoa thừa nhận.
Không chỉ phân tích những hạn chế về yếu tố con người, tri thức, ông Nguyễn Trọng Khoa còn nhấn mạnh hiện nay việc trang bị máy móc phục vụ cho công tác xét nghiệm ở các cơ sở y tế còn khá manh mún, chưa nói về số lượng chưa phong phú mà hiện phần lớn trang thiết bị đã khá cũ kỹ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế – Bộ Y tế cho biết: “Thời gian qua, ở một số cơ sở y tế xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến việc trang thiết bị y tế chưa đảm bảo chất lượng khiến cho người dân mà cụ thể là người bệnh bất an. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu các đơn vị”.
Cũng theo ông Tuấn, một trong những bất cập trong quản lý xét nghiệm y khoa hiện nay là chất lượng trang thiết bị, máy móc xét nghiệm chưa được kiểm tra thường xuyên; người phụ trách phòng xét nghiệm ở tuyến tỉnh trở xuống cũng như cơ sở y tế tư nhân còn yếu về năng lực và trình độ chuyên môn…
Vì thế, để nâng cao chất lượng xét nghiệm và hạn chế lạm dụng xét nghiệm, đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý cần có lộ trình, tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm y học phải bảo đảm chất lượng, kiểm tra chất lượng, nội kiểm và ngoại kiểm, tiến tới công nhận kết quả của các phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn. Cải tiến quy trình kiểm tra các phòng xét nghiệm, tăng cường kiểm tra về kỹ thuật và tin học, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các hội chuyên ngành, hội hành nghề y tư nhân trong quá trình kiểm tra.
Còn theo bà Lê Thị Ánh Hồng – Trưởng khoa Vi sinh – BV Đa khoa Xanh Pôn, hiện trong công tác quản lý xét nghiệm của cơ sở còn một số hạn chế như cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực phục vụ công tác xét nghiệm còn thiếu, kinh phí dành cho công tác quản lý xét nghiệm hạn chế.
Ông Khương Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, trong số 43 cán bộ làm về công tác xét nghiệm tại địa phương chỉ có 11 cán bộ (tức là khoảng 30%) được đào tạo chuyên về xét nghiệm, còn lại là từ các chuyên ngành khác chuyển ngang. Điều này dẫn đến hiện tại địa phương đang tồn tại tình trạng thiếu và yếu trong nguồn nhân lực thực hiện công tác xét nghiệm.
“Khó khăn lớn nhất của đơn vị là thiếu bác sỹ làm công tác xét nghiệm” là phát biểu của đại diện BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tại Hội thảo.
Người bệnh chịu thiệt?
Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, hiện có tình trạng các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau dẫn đến tình trạng người bệnh khi đi khám chữa bệnh phải làm nhiều xét nghiệm, chụp chiếu dẫn tới chi phí tăng.
Theo đại diện BV Đa khoa Xanh Pôn, khi tiếp nhận bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến, BV vẫn tôn trọng kết quả của các nơi khác chuyển đến, dùng lại chính kết quả xét nghiệm đó mà không phải làm lại. Tuy nhiên với một số trường hợp còn nghi ngờ, BV vẫn phải làm lại xét nghiệm.
Còn tại BV Việt Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc BV khẳng định: BV Việt Đức sẵn sàng lấy kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Hiện tại BV đang chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, 108, Nhi Trung ương. Nhưng với các BV tuyến dưới thì do nhiều yếu tố nên bác sỹ vẫn yêu cầu bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Công Sản – Phó Giám đốc BV Đa khoa Hải Dương, khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, người bệnh chỉ đem theo giấy chuyển viện và tóm tắt bệnh án (trong đó chỉ ghi chuẩn đoán bệnh, không ghi chú kèm theo các xét nghiệm đã làm – PV), do vậy lên tuyến trên BV không có căn cứ để loại xét nghiệm, chụp chiếu nào nên tất cả vẫn tiến hành từ đầu theo quy định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên bên lề Hội thảo, ông Đặng Hồng Văn – Trưởng phòng xét nghiệm – BV Đa khoa Hải Dương phân tích: Việc lạm dụng hay không lạm dụng xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên tôi cho rằng, khi bệnh nhân chuyển đến BV, do chưa nắm được tiền sử bệnh cũng như thông tin của bệnh nhân nên các thao tác kỹ thuật xét nghiệm cần phải tiến hành để chuẩn đoán và sàng lọc các yếu tố nguy cơ là cần thiết.
Cũng theo ông Hồng Văn có những xét nghiệm cần phải tiến hành theo thời gian như xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu… “lạm dụng chỉ được tính đến khi một hay nhiều cơ sở y tế chỉ định quá nhiều xét nghiệm chụp chiếu với một bệnh nhân có các biểu hiện bệnh thông thường, giả sử người bệnh có tiền sử đau bụng nhưng lại chỉ định chụp cắt lớp”, ông Hồng Văn nói.
Để giải quyết tình trạng người bệnh đang bị làm khổ bởi nhiều loại xét nghiệm, chiếu chụp, phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải hướng dẫn và yêu cầu bác sỹ khi chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp phải rà soát những kết quả xét nghiệm bệnh nhân đã có, nếu có thể sử dụng được thì không cần làm lại. Ví dụ BV Việt Đức thể công nhận kết quả xét nghiệm của BV Bạch Mai hoặc ngược lại.
“Với những xét nghiệm đắt tiền, nếu buộc phải chỉ định làm lại thì cần tư vấn giải thích, tránh gây bức xúc cho người bệnh. Đồng thời BV cần rà soát tỷ lệ các xét nghiệm, chụp chiếu mà BV sử dụng lại khi bệnh nhân chuyển tuyến đến, đồng thời tổ chức bình bệnh án để xem xét những xét nghiệm, chụp chiếu nào chỉ định không cần thiết. Đối với các BV cùng hạng phải có quy trình nội kiểm, ngoại kiểm chuẩn mực để chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, tránh tình trạng một số BV cùng hạng, thậm chí nằm sát nhau nhưng khi bệnh nhân từ nơi này chuyển sang nơi kia vẫn phải làm lại xét nghiệm”, Thứ trưởng Xuyên nhấn mạnh.