Nhiều công dụng?
Chỉ cần gõ dòng chữ “bán trứng kiến” trên Google đã cho ra gần 600.000 kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Trong số này, có rất nhiều trang mạng được lập ra trong khoảng thời gian gần đây rao bán các loại trứng kiến, từ loại thông thường là trứng kiến vàng cho đến trứng kiến gai đen (một loạt đặc sản ở miền núi) và cả những loại trứng kiến ngoại như trứng kiến Vống của Lào… với giá tiền dao động trong khoảng 500.000 -800.000 đồng/ kg, tuỳ loại.
Nhiều trang web chi tiết hơn, còn kèm theo cả công thức chế biến làm thực phẩm hay thuốc từ trứng kiến như: xôi trứng kiến, trứng kiến xào xúc bánh đa, canh trứng kiến hoặc rượu trứng kiến, trứng kiến ngâm dầu… Bên cạnh đó, một số nơi còn bán các loại chế phẩm từ trứng kiến, như: trứng kiến sấy khô, trứng kiến đông lạnh…Điểm chung nhất, các trang này đều quảng cáo về công dụng “thần kì” của trứng kiến, đặc biệt là trứng kiến gai đen.
Theo đó, trứng kiến gai đen được xem là thần dược bổ âm, bổ dương, bổ thần kinh, chống lão hoá, tốt cho mọi lứa tuổi… “Trứng kiến gai đen của Việt Nam có chứa gần 50% chất đạm với hơn 30 loại acid (trong đó có 8 loại acid amin mà cơ thể người không thể tổng hợp được.
Trứng kiến được rao bán tràn lan trên mạng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, có chứa 31 nguyên tố vi lượng cùng một hàm lượng nhất định vitamin A,E,D,B1 giup trứng kiến trở thành một trong những đặc sản bổ dưỡng nhất từ thiên nhiên…”, một trang web viết. Hay: “Trứng kiến gai đen có tác dụng kì diệu giúp ngủ ngon, chống trầm cảm và chữa mọi bệnh về thần kinh, tăng cường sinh lực cho cơ thể, giảm căng thẳng và hỗ trợ tốt cho chứng suy giảm sinh lý và giảm trí nhớ” – một trang khác quảng cáo.
Theo xu hướng, cách đây khoảng hai tuần, anh Trần Thanh Tùng, 34 tuổi ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cũng đã đặt hàng mua 1kg trứng kiến gai đen với giá là 800.000 đồng qua mạng để giúp vợ đang trong quá trình mang thai về tẩm bổ.
Anh Tùng cho biết, có một lần được ăn món xôi trứng kiến và uống rượu ngâm trứng kiến ở quán bên Hồ Tây thấy ngon, bùi lại được quảng cáo về công dụng tuyệt vời của loại thực phẩm này nên trước mắt mua về cho cả gia đình đổi món và giúp vợ bồi bổ thêm… Anh Tùng cho biết thêm, việc sử dụng trứng kiến gai đen là theo lời đồn chứ không thật sự tìm hiểu kĩ về công dụng của loại trứng này.
Sử dụng thận trọng
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trường – Trung tâm Miễn Dịch – Lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, đã có nhiều trường hợp dị ứng nặng phải nhập viện sau khi ăn các loại thực phẩm chế biến từ côn trùng trong đó có trứng kiến. Lí do là vì cơ địa dị ứng với chất protein “lạ” có chứa trong những thực phẩm này.
“Mặc dù, theo phân tích, trứng kiến có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, do đó được xem là thực phẩm giàu dinh dưỡng, còn xét về công dụng chữa bệnh như quảng cáo thì cần phải có bằng chứng khoa học. Nếu dùng làm thực phẩm, trứng kiến thuộc nhóm thực phẩm không phổ biến, ít người sử dụng. Mặt khác, kiến thường làm tổ ở những vùng ẩm thấp, rất dễ lẫn các sinh vật có hại. Do đó, người dân cần lưu ý không nên mạo hiểm sử dụng để tránh nguy cơ dị ứng, nhiễm bệnh. Người có cơ địa dị ứng từ trước đặc biệt phải tránh xa vì nguy cơ dị ứng cao gấp nhiều lần người bình thường”, bác sĩ Trường khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Trường, người dân nên mua trứng kiến tươi, nguồn gốc rõ ràng với số lượng ít, không mua với số lượng quá lớn để tránh việc nguy cơ nhiễm khuẩn, giảm giá trị dinh dưỡng do quá trình bảo quản không tốt.
Trứng kiến thu hoạch theo mùa Chị Lữ Thị Phong, 29 tuổi ở Mai Châu, Hoà Bình là người thường xuyên thu hoạch trứng kiến gai đen về sử dụng cho biết, mùa thu hoạch trứng kiến gai đen được tính theo lịch âm, bắt đầu từ tháng ba và kết thúc vào giữa tháng năm. Trong thời gian này, người dân phải vào trong rừng tìm đến tổ trứng gai đen sau đó dùng dụng cụ chuyên biệt để thu hoạch, thế nhưng việc thu hoạch tự nhiên không được nhiều, không có thừa để bán mà chủ yếu để gia đình sử dụng. Trứng kiến gai đen ăn rất bùi và ngọt, có thể chế biến thành nhiều món như xôi trứng kiến, canh trứng kiến hay ngâm rượu làm thuốc bồi bổ sức khoẻ… |