Choáng: Măng ngâm hóa chất, hủ tiếu gây sỏi thận
Thức ăn đường phố chứa chất gây nghiện hay không?
Thức ăn mất vệ sinh, bị nghi có chất cấm ‘bủa vây’ trường học
Mới đây, cơ quan chức năng vừa phát hiện và bắt giữ một cơ sở tẩm ướp măng chua bằng nhiều loại hóa chất gây rung động dư luận tại tỉnh Bình Thuận. Theo đó, cơ sở này dùng các loại hóa chất nhằm tẩy trắng măng, sau đó tiếp tục dùng hóa chất có màu vàng để tạo màu vàng đẹp bắt mắt người tiêu dùng.
Nhận định về sự việc trên, các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, đây là việc làm trên cả mức nguy hiểm vì nó có thể khiến người tiêu dùng ngộ độc và tử vong ngay tại bàn ăn, nếu sử dụng măng có những hóa chất này.
Măng khô được bán ở các chợ liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Ảnh: Người lao động.
Chia sẻ với phóng viên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa) cho biết, vấn đề thực phẩm bẩn nói chung và măng ngâm hóa chất nói riêng đã cảnh báo và được phát hiện rất nhiều, nhưng dường như không có tác dụng.
Đối với các loại măng như măng khô, măng chua hay thậm chí là cả măng tươi vẫn còn vỏ đều có chứa độc tố. Đối với các măng khô thì chứa các loại hóa chất chống ẩm mốc, còn măng chua thì bị các thương lái ngâm hóa chất để tạo màu …vì thế, ăn măng không rõ nguồn gốc luôn rình rập những mối nguy hiểm khôn lường.
Theo PGS Thịnh, thông thường các vụ ngộ độc xảy ra sau khi ăn măng là do độc tố cyanide. Độc tố này khi đi vào cơ thể dưới tác động của các enzyme của đường tiêu hóa sẽ biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể.
“Chất HCN đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già yếu dễ nhạy cảm với độc tính của nó. Đặc biệt chất HCN có thể gây chết người với liều lượng 50 đến 60mg, khi bị ngộ độc sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, mỏi, liệt cơ, ngừng thở… Khi sử dụng măng thấy xuất hiện các triệu chứng trên thì cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu”, PGS Thịnh cảnh báo.
PGS Nguyễn Duy Thịnh: Ăn măng không đảm bảo an toàn thực phẩm rất dễ bị ngộ độc.
Ngoài những độc tố có sẵn trong măng, PGS Thịnh cũng rất lo ngại về các loại hóa chất mà thương nhân sử dụng để ngâm ướp măng hoặc tẩy nấm mốc, bảo quản măng khô.
Bởi vậy, để chọn được măng và sử dụng măng an toàn PGS Thịnh khuyến cáo, đối với tất cả các loại măng khi mua về người tiêu dùng trước tiên nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế. Việc làm này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng, đặc biệt là các loại măng tươi. Đồng thời, nó sẽ làm sạch phụ gia bảo quản bên ngoài măng khô và làm cho măng mềm hơn.
Cuối cùng, PGS Thịnh hướng dẫn, người tiêu dùng khi mua măng nên chọn những sản phẩm được đóng gói cẩn thận có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và bán ở những nơi có uy tín.
Với măng tươi, khi mua nên ngửi mùi măng cảm thấy mùi thơm dịu của măng chưa qua chế biến, tẩm ướp, không nên chọn măng quá trắng, màu măng vàng nâu, sờ vào không bị dính tay, có những đường vân.
Với măng khô nên chọn măng không có mùi lạ hoặc mùi SO2 nếu sấy bằng lưu huỳnh. Còn măng có ngâm hóa chất thường bắt mắt, bóng bẩy, màu vàng giả tạo hoặc màu vàng không thật tự nhiên.