1. Dứa
Nếu như trong suốt thai kì, mẹ bầu phải kiêng ăn dứa vì loại quả này chứa nhiều bromelain – 1 loại enzyme gây co thắt và làm mềm cổ tử cung dễ dẫn đến sảy thai – thì vào những ngày sắp “vỡ chum”, mẹ có thể ăn hoặc uống nước ép dứa để quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rửa sạch và gọt bỏ vỏ, loại bỏ hết mắt dứa trước khi ăn/ép nước uống để tránh ngộ độc, cũng không ăn nhiều quá vì có thể gây tiêu chảy. Đặc biệt, với những mẹ bầu mắc bệnh dạ dày thì không nên dùng cách này vì có thể khiến cơn đau “trỗi dậy”.
2. Rau húng quế
Theo kinh nghiệm dân gian, để việc sinh thường dễ dàng hơn thì vào thai kỳ cuối, mỗi tháng mẹ bầu nên uống 1 – 2 cốc nước ép rau húng quế. Cách làm như sau: Dùng 1 nắm ngọn húng quế tươi, ngâm rửa thật sạch (nếu nhà trồng được là tốt nhất), sau đó để ráo nước rồi đem xay/giã nát, vắt lấy nước cốt rồi thêm nước đun sôi để nguội cùng chút đường phèn vào cho dễ uống.
3. Lá tía tô
Đây có lẽ là “bài thuốc” phổ biến mà mẹ nào sinh nở rồi cũng đều biết. “Bài thuốc” được sử dụng khi sản phụ bắt đầu trở dạ, khi đó, liên tục uống nước lá tía tô sắc đặc sẽ kích thích cổ tử cung mở nhanh hơn và giảm các cơn đau đáng kể.
Cách sắc lá tía tô như sau: Dùng 1 nắm lá to, rửa thật sạch (có thể vò nát) rồi cho vào nồi cùng 2 lít nước, đun sôi. Vặn lửa nhỏ bớt rồi đợi cho nước trong nồi cạn còn chừng 1 nửa thì tắt bếp, uống khi còn ấm. Lá tía tô mẹ sắc càng đặc càng tốt nhé!
4. Cam thảo
Cam thảo cũng không được khuyên dùng khi mang thai, nhưng vào những ngày cuối thai kì, uống trà cam thảo hoặc nước cam thảo sắc có thể hỗ trợ rất tốt quá trình chuyển dạ sinh con.
5. Rau lang
Rau lang vừa mát vừa ngon lại có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng nên rất thích hợp cho bà bầu, nhất là trong mùa nắng nóng thế này. Không chỉ thế, vào tháng cuối thai kì, ăn rau lang luộc/nấu canh thường xuyên đến khi đau bụng đẻ sẽ giúp rút ngắn thời gian lâm bồn vì nó giúp cổ tử cung mở nhanh hơn, giảm đau các cơn đau đáng kể giúp quá trình sinh nở được suôn sẻ.
Mẹ cũng có thể ăn rau lang ngay sau sinh để có nhiều sữa cho bé bú hơn. Tuy nhiên, mẹ không nên quá “lạm dụng” món rau này dù trong bất cứ giai đoạn nào vì có thể gây… tiêu chảy.
6. Vừng đen
Món chè vừng đen nấu cùng bột sắn và đường phèn cực kì bổ dưỡng cho bà bầu, bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin E, protein, folate,… giúp bổ máu, giảm thiếu máu, hỗ trợ tiêu hóa và làm đẹp da, đẹp tóc,… Vào cuối thai kì, tăng cường món ăn từ vừng đen có giúp mẹ sinh thường thuận lợi hơn, dễ dàng hơn.
7. Cà tím
Đây cũng là bài thuốc hỗ trợ sinh sản theo kinh nghiệm dân gian. Theo đó, mẹ bầu thường xuyên ăn cà tím vào tháng cuối của thai kì sẽ giúp cổ tử cung co giãn tốt hơn, hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.
8. Hoa hướng dương
Nếu mẹ quyết định sinh thường nhưng vẫn cảm thấy… sợ đau, sợ khó sinh thì có thể sử dụng hoa hướng dương như một mẹo giúp chuyển dạ dễ dàng hơn. Cách này khá đơn giản: Chỉ cần dùng khoảng 2 lạng hoa khô (có thể tự chuẩn bị trước bằng cách mua hoa tươi rồi phơi khô hoặc mua tại các tiệm thuốc bắc). Đem rửa hoa thật sạch, cho vào nồi/ấm sắc với khoảng 2 lít nước đến khi cạn còn khoảng 1/3 thì tắt bếp, đợi nguội bớt thì cho vào bình, uống lúc còn ấm và khi các cơn co thắt chuyển dạ xuất hiện.
Lưu ý: Trên đây là những mẹo giúp mẹ bầu vượt qua quá trình sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các mẹ cần đảm bảo sử dụng đúng cách, đảm bảo vệ sinh và không quá lạm dụng vì có thể gây phản tác dụng. Đặc biệt, những “bài thuốc” này chỉ nên sử dụng vào những tuần cuối của thai kì. Ngoài ra, mẹ cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, luyện tập đúng cách để nâng cao sức khỏe, giữ tinh thần thoải mái nhất có thể để vượt cạn dễ dàng hơn nhé!
Chúc các mẹ bầu sớm gặp được bé yêu của mình!