Cho trẻ nằm gối
Kê gối ngủ cho bé giống như việc làm hiển nhiên của các bà mẹ, thế nhưng ít ai biết rằng điều này có thể khiến bé gặp không ít nguy cơ như nghẹt thở, SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh), bong gân cổ, phẳng đầu hoặc làm con nóng sốt,… Đó là vì đầu bé sơ sinh rất mềm nên dễ chìm sâu vào trong gối gây ngạt thở; nếu chọn chất liệu gối không tốt có thể làm tăng nhiệt độ dưới đầu bé, khiến bé tăng thân nhiệt và ra mồ hôi, dễ dẫn đến sốt cao và nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, cổ bé sơ sinh rất yếu, nếu trượt từ gối cao xuống giường có thể gây bong gân cổ.
Vì vậy, mẹ nhớ nhé, trong 2 năm đầu đời không cần kê gối cho bé đâu. Nếu muốn, mẹ chỉ nên dùng khăn xô gập lại vài lần cho bé gối đầu là đủ. Dù những chiếc gối rất xinh xắn, đáng yêu và mẹ có lỡ mua về khá nhiều thì cũng nên… vứt chúng qua một bên để đảm bảo an toàn cho con nhé!
Đội mũ che thóp
Tương tự như gối đầu, đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh cũng được coi là việc cần thiết và… hiển nhiên, vì xưa nay bé sơ sinh nào cũng được đội mũ. Tuy nhiên, những chiếc mũ che thóp này cũng chẳng mang lại lợi ích gì nhiều, thậm chí có thể gây hại nên mẹ không cần mua về nhiều đâu nhé! Chỉ khi ra ngoài trời lạnh mẹ mới cần che thóp cho con thôi, còn khi ở trong nhà, hãy để đầu bé được thoáng. Cơ thể trẻ luôn có chế độ điều hòa thân nhiệt, nên mẹ đừng nghĩ phần thóp của bé sẽ lạnh hơn các phần cơ thể khác nhé. Nếu cứ đội mũ “kín mít” ngay cả khi trời nóng, ấm không chỉ khiến bé ngứa ngáy khó chịu, ra mồ hôi nhiều mà còn làm tăng thân nhiệt – dễ khiến con bị sốt/sốt cao gây nguy hiểm.
Do đó, mẹ chỉ nên đội mũ cho con khi nhiệt độ thấp, cho bé ra ngoài trời hoặc đối với bé sinh non, nhẹ cân; trường hợp bé khỏe mạnh bình thường thì hoàn toàn không cần đội mũ chụp đầu 24/24, nhất là khi trời nắng nóng.
Rung lắc
Người lớn thường có thói quen rung, lắc trẻ khi bế hoặc khi bé nằm võng/nôi,… vì cho rằng làm như vậy bé sẽ thích thú, sẽ nín khóc và cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng.
Trẻ dưới 2 tuổi, nhất là các bé sơ sinh đầu khá nặng trong khi cổ lại yếu, vẫn còn khoảng trống giữa màng não và hộp sọ. Do đó khi bị rung, lắc đột ngột hay quá mạnh, não dễ bị va đập vào thành sọ theo quán tính gây ra những tổn thương nghiêm trọng như chảy máu não, dập não,… Không ít trường hợp rung lắc mạnh khiến trẻ tử vong đã xảy ra. Do đó, cha mẹ và người lớn cần đặc biệt lưu ý:
Luôn đỡ cổ bé khi bế, cố gắng cẩn thận để cổ bé không bị ngửa đột ngột do không có điểm tựa.
– Tuyệt đối không bế xốc trẻ lên, không đùa với bé bằng cách tung con lên rồi đỡ.
– Khi trẻ nằm nôi, võng – không lắc/đưa võng quá mạnh tay, đột ngột.
– Lưu ý tất cả các hoạt động có thể gây tác động mạnh đến đầu con.
– Trong trường hợp thấy bé bị lờ đờ, kém linh hoạt, nặng hơn là co giật, nôn mửa, tím tái khó thở,… cần lập tức gọi cấp cứu.
Cho trẻ uống nước
Trẻ sơ sinh uống nước sớm có thể bị suy dinh dưỡng, ngộ độc nước gây nhiều ảnh hưởng không hề nhỏ tới sức khỏe của con. Đó là vì dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, lúc vừa sinh kích thước chỉ tương đương… 1 hạt đậu và chứa tối đa là 7 – 13ml sữa; 3 – 6 ngày sau dạ dày bé mới bằng một quả nho, chứa được 30-60ml sữa; và đến tận 6 tháng sau, kích thước dạ dày của con mới bằng một quả dâu tây – chứa được khoảng 60 – 90ml sữa. Do đó, mẹ tuyệt đối không cho bé uống thêm nước, thậm chí chỉ cần tráng miệng sau khi bú bằng 1 thìa nước lọc thôi cũng khiến dạ dày của con “quá tải” rồi. Việc uống thêm nước khiến bé cảm thấy khó chịu, đầy bụng, tức bụng và chán bú nên có thể gây suy dinh dưỡng do không nhận đủ lượng sữa cần thiết.
Ngoài ra, thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện chức năng nên khó xử lý được lượng nước dư thừa, do đó có thể làm loãng lượng natri trong cơ thể và thoát ra ngoài – ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của não do thiếu natri. Tình trạng này gọi là ngộ độc nước, có biểu hiện như trẻ khó chịu, hạ thân nhiệt, chuột rút, lờ đờ, phù mặt,… trường hợp nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
Sữa mẹ vô trùng và chứa đủ nước cũng như dinh dưỡng cần thiết, do đó trong 6 tháng đầu bé chỉ cần bú mẹ là đủ, hoàn toàn không nên cho bé uống thêm nước. Nếu mẹ muốn “tráng miệng”, hãy dùng khăn mềm, sạch nhúng qua nước ấm, vắt khô và lau miệng cho bé.
Pha sữa công thức… không theo công thức
Thật nghịch lý phải không mẹ? Đã là sữa công thức thì nhất định phải pha đúng công thức mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho con mà không gây những hậu quả tai hại. Thế nhưng nhiều mẹ vì muốn con nhận được thêm dinh dưỡng từ sữa nên cố tình pha đặc một chút, điều này có thể khiến bé bị thiếu nước nghiêm trọng. Một số mẹ khác không để ý lại pha loãng hơn bình thường, hiển nhiên là khiến bé bị thiếu chất rồi. Không kể có mẹ pha sữa cho con bằng nước khoáng, nước trái cây hay nước sôi,… tất cả đều không mang lại lợi ích gì mà chỉ gây hại.
Mẹ biết không, trong sữa công thức đã được tính toán lượng dinh dưỡng hợp lý; do đó mẹ không phải lo lắng bé sẽ thiếu chất đâu. Pha sữa bằng nước khoáng có thể làm dư thừa canxi gây hại thận và làm giảm sự hấp thu các khoáng chất quan trọng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Nước hoa quả hay rau củ luộc cũng gây không ít tác hại cho bé sơ sinh. Trường hợp pha sữa bằng nước nóng sôi có thể làm mất dinh dưỡng trong sữa, do một số loại vitamin và protein phân hủy ở nhiệt độ cao.
Mẹ nhớ nhé, sữa công thức là phải pha đúng công thức mới cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Và mẹ chỉ cần dùng nước lọc đun sôi, để nguội đến nhiệt độ phù hợp pha sữa cho con là đủ.
Tắm sai thời điểm
Cơ thể trẻ sơ sinh rất yếu ớt, do đó mẹ cần lưu ý trong mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ,… Tắm sai thời điểm dễ khiến con bị cảm, ốm nặng thêm, khó chịu và mệt mỏi,… Có 9 thời điểm mẹ tuyệt đối không được tắm cho bé tại đây, mẹ nhớ lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho con nhé!