Sinh thường là phương pháp sinh tự nhiên, an toàn và luôn được khuyến khích với các mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ vẫn sẽ gặp một số rủi ro nhất định khi sinh bằng phương pháp này.
Sa dây rốn
Sa dây rốn là hiện tượng hiếm gặp khi sinh nở nhưng lại tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Sa dây rốn xảy ra khi dây rốn ra ngoài trước khi em bé chào đời. Khi đó, dây rốn bị chèn ép có thể khiến suy thai. Trong trường hợp này, bác sỹ sẽ tiến hành mổ cấp cứu để bảo toàn tính mạng mẹ và bé.
Sa các cơ quan trong khung chậu
Một số trường hợp do tổn thương cơ đáy chậu dẫn tới các cơ quan trong khung chậu như bàng quang, dạ con, ruột thẳng bị sa xuống âm đạo. Sinh thường, sinh nhờ các can thiệp y khoa, tổn thương đáy chậu, quá trình rặn đẻ lâu là một số nguyên nhân chính dẫn đến các cơ quan trong khung chậu bị sa.
Đau đáy chậu hoặc âm hộ
Tổn thương đáy chậu, rách tầng sinh môn có thể khiến sản phụ đau đáy chậu và âm hộ. Nếu tình trạng đau kéo dài sau sinh mà không đỡ, sản phụ nên đến bệnh viện để được tư vấn và kiểm tra.
Rách tầng sinh môn
Tầng sinh môn là mô mềm nằm giữa âm hộ và hậu môn. Trong quá trình chuyển dạ và rặn đẻ, tầng sinh môn sẽ giãn ra, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu em bé chui ra ngoài. Tầng sinh môn vì thế bị rách. Vẫn biết đây là điều không thể tránh khỏi khi sinh nở, nhưng rách tầng sinh môn cũng khiến nhiều mẹ ám ảnh lo sợ.
Khi tránh bị rách tầng sinh môn, mẹ cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Tránh rạch tầng sinh môn. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện. Đa phần ở Việt Nam, sản phụ bị động trong việc này.
– Sinh con ở tư thế đứng thẳng. Tư thế này giúp giảm áp lực lên đáy chậu và tầng sinh môn.
– Sử dụng thuốc giảm đau theo khuyến nghị của bác sỹ.
– Khi rặn đẻ, có thể nhờ hộ sinh hỗ trợ để tránh tầng sinh môn bị rách thêm.
– Một tấm gạc ấm đặt ở tầng sinh môn có thể làm tăng lưu thông máu và cải thiện tính đàn hồi của vùng da tại đây.
– Chỉ rặn khi cổ tử cung mở hết 10 phân và rặn khi muốn.
– Tránh sử dụng các thủ thuật can thiệp khi sinh như forceps.
Đáy chậu bị tổn thương
Trong một số trường hợp, đáy chậu bị tổn thương khi sinh nở. Đáy chậu có thể bị nứt, các cơ đáy chậu bị căng hoặc co quá mức. Những sản phụ bị tổn thương đáy chậu khi sinh sẽ mắc chứng đau khung chậu mạn tính hoặc tạm thời.
Một số mẹo hay giúp mẹ giảm nguy cơ bị tổn thương đáy chậu:
– Khi mang thai, mẹ kiên trì tập luyện các bài tập kegel và squat dành cho mẹ bầu để tăng tính đàn hồi của đáy chậu.
– Sinh con ở tư thế đứng thẳng.
– Tránh không bị rạch tầng sinh môn bằng cách mát-xa đáy chậu khi mang thai.
– Sử dụng thuốc giảm đau theo tư vấn của bác sỹ.
Các rủi ro khác cho em bé
Sinh thường là phương pháp tự nhiên, an toàn nhất đối với bé. Tuy nhiên, một số ít trường hợp sinh thường không được suôn sẻ, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến bé như:
– Suy thai do thai nhi không nhận đủ oxy. Thiếu oxy cũng khiến bé sau sinh gặp các vấn đề về sức khỏe cũng như nhận thức.
– Bé bị tổn thương khi chào đời do các thiết bị hỗ trợ sinh như forceps.
– Bé bị kẹt vai khi chào đời, dẫn tới các tổn thương về thần kinh và thể chất khác.