Chuyển dạ là quá trình sinh lý tự nhiên, khi cơ thể tự chuẩn bị, tạo điều kiện cho em bé chào đời. Thời gian chuyển dạ ở mỗi người đều khác nhau. Thông thường sinh con so có thời gian chuyển dạ dài hơn sinh con rạ. Đối với mẹ sinh con so, thời gian chuyển dạ trung bình từ 16 – 24 giờ, sinh con rạ thì thời gian chuyển dạ trung bình từ 8 – 12 giờ. Gọi là chuyển dạ kéo dài khi thời gian chuyển dạ trên 24 giờ. Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình chuyển dạ của mẹ kéo dài hơn bình thường, chẳng hạn:
1. Cổ tử cung mở chậm
Quá trình chuyển dạ bắt đầu khi tử cung có dấu hiệu mỏng đi. Các cơn co tử cung sẽ tác động khiến cổ tử cung mở, chuẩn bị cho giây phút em bé chào đời. Trong hầu hết các ca chuyển dạ, cơn co sẽ tăng dần cường độ nhanh, mạnh. Thời gian nghỉ giữa các cơn co càng ngắn thì cường độ của các cơn co càng tăng.
Mỗi mẹ bầu có thời gian chuyển dạ khác nhau, không ai giống ai. Một số mẹ bầu có cổ tử cung đã mở vài phân trước khi quá trình chuyển dạ thực sự bắt đầu. Không có cách nào để dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra với cổ tử cung và thời điểm cổ tử cung mở. Một số mẹ bầu cứ mỗi 1 tiếng lại mở 1 phân, trong khi đó các mẹ bầu khác phải mất vài tiếng đồng hồ mới được như vậy.
Nếu sản phụ đã từng phẫu thuật cổ tử cung và có sẹo tại vùng này thì quá trình mở của cổ tử cung cũng bị ảnh hưởng. Các vết sẹo này khiến cổ tử cung cứng, khó khăn trong việc giãn và mở.
Để khắc phục tình trạng cổ tử cung mở chậm, sản phụ nên thư giãn, uống nhiều nước, áp dụng một số phương pháp kích thích cơn co như đi bộ, kích thích núm vú, ăn thức ăn dạng lỏng.
2. Tâm trạng của bà bầu cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ
Các nhà khoa học đã chứng minh, sản phụ khi được sinh trong môi trường ít tiếng ồn sẽ kích thích cơ thể sản xuất hormone oxytocin – hormone chính giúp cổ tử cung mở và đẩy em bé ra ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế 96% sản phụ không được sinh con trong môi trường yên tĩnh, riêng tư. Nếu bạn có cơ hội một lần vào tham quan phòng chờ sinh ở các bệnh viện phụ sản, đảm bảo bạn sẽ mệt lừ vì ở trong đó quá đông đúc, chật chội và nhiều tiếng ồn.
Tâm trạng lo lắng sát ngày dự sinh hoặc trước khi chuyển dạ cũng khiến sự chuyển dạ kéo dài hơn bình thường. Các yếu tố tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình chuyển dạ, làm chậm hoặc hạn chế các cơn co thắt. Vì vậy nếu muốn rút ngắn cơn đau đẻ, sản phụ hãy thư giãn, bình tĩnh và không nên sợ hãi, lo lắng.
3. Ngôi thai bất thường
Vị trí của thai nhi – thuận lợi hay bất lợi đều có những ảnh hưởng nhất định đến sự sinh nở của mẹ. Vị trí thai thuận lợi nhất là vị trí ngôi đầu – đầu thai nhi chúc xuống cổ tử cung, phần lưng nghiêng về phía bên trái bụng của mẹ. Những ngôi thai nằm ngang, nằm ngược sẽ khiến quá trình đau đẻ kéo dài hơn; những ngôi thai là ngôi đầu nhưng cằm thai nhi không áp sát vào ngực mà ngả ra cũng gây khó khăn khi đi qua ngả âm đạo để chào đời.
4. Hẹp khung xương chậu
Để chào đời, thai nhi bắt buộc phải đi qua khung xương chậu của mẹ. Khung xương chậu của mẹ được thiết kế hoàn hảo, có kích thước đủ rộng để thai nhi chui qua dễ dàng. Tuy nhiên có nhiều sản phụ gặp vấn đề với khung xương chậu như khung xương chậu hẹp hoặc biến dạng, gây khó khăn cho việc sinh nở. Trường hợp này thường gặp ở các sản phụ thấp bé (cao dưới 1m45), sản phụ từng mắc bệnh còi xương, bại liệt, viêm khớp. Các sản phụ bị hẹp khung xương chậu thường được chỉ định mổ lấy thai để bảo toàn tính mạng của mẹ và thai nhi.
5. Sinh thai đôi
Mang song thai cũng khiến cho người mẹ vất vả hơn khi phải chịu đựng những cơn co chuyển dạ kéo dài. Thông thường khi mang thai đôi, sản phụ hay chọn phương pháp sinh mổ. Nhưng vẫn có những trường hợp sinh thường thành công, tuy nhiên thời gian chuyển dạ sẽ lâu hơn bình thường.
6. Sử dụng các biện pháp can thiệp khi sinh
Tiến hành các thủ thuật can thiệp khi sinh (nội xoay thai trong ngôi vai, forceps, giác hút), thuốc kích thích cơn co oxytocin với mục đích rút ngắn thời gian đau đẻ nhưng không đúng chỉ định, liều lượng sẽ gây tác dụng ngược. Không những khiến quá trình chuyển dạ kéo dài thêm mà còn gây nguy hiểm cho sản phụ.