Sinh đẻ là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, là kết quả tất yếu sau gần 10 tháng mang thai. Đa số sản phụ đều trải qua quá trình này một cách thuận lợi, nhưng cũng có một số ít sản phụ do những nguyên nhân khác nhau mà gây ra sinh khó. Vậy những thông tin nào cho thấy thai phụ có thể sinh đẻ thuận lợi?
Sinh đẻ chú yếu căn cứ vào ba nhân tố sau:
Sức đẻ: Là sức đẩy thai nhi ra ngoài, bao gồm sức co thắt của tử cung, sức co thắt cơ thành bụng và sức co thắt của hậu môn, trong đó sức co thắt của tử cung là chủ yếu.
Đường sinh đẻ: Đường thai nhi đi qua từ tử cung mẹ ra ngoài, bao gồm khung xương chậu (đường sinh cứng), cổ tử cung, đáy chậu, âm đạo (đường sinh mềm), trong đó khung xương chậu có ý nghĩa quyết định quan trọng.
Thai nhi: Bao gồm thai nhi lớn hay nhỏ, kích thước của thai nhi, thai nhi có bị dị tật hay không, vị trí ngôi thai có thuận không?
Khi sắp sinh nếu tử cung có sức co lại, xương chậu nở, đường sinh sản bình thường, thai nhi không quá to hoặc dị tật, vị trí thai bình thường có thể sinh đẻ một cách thuận lợi. Nếu một hoặc hai trong ba điều kiện này trở lên không thuận lợi có thể sinh khó.
Những trường hợp nên sinh mổ
Các mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ để nắm được các thông số cần thiết về sự phát triển của thai và các bác sỹ có những hướng dẫn cụ thể nếu thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ khó sinh. Thông qua các thông số về đường sinh, thai nhi và sức khỏe của thai phụ (thai phụ có mắc chứng bệnh gì trong thời kỳ mang thai không)… Nếu phát hiện có gì khác thường các bác sỹ sẽ chỉ định cho trường hợp của thai phụ là nên sinh thường hay sinh mổ. Thai phụ cần nắm vững thông tin và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Vị trí thai nhi bất thường, xương chậu hẹp là nguyên nhân chủ yếu của việc không thể sinh thường, nhưng trong một số trường hợp thường xảy ra ở các thai phụ mang thai lần đầu các thông số kiểm tra trước khi sinh của thai phụ đều tốt nhưng đến khi tiến hành sinh đẻ thì lại không thể sinh đẻ bằng con đường tự nhiên được. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do tâm lý lo lắng, sợ hãi, căng thẳng… trước khi sinh của thai phụ và trong một số trường hợp do sản phụ gào thét quá nhiều trong khi sinh dẫn đến kiệt sức không thể sinh đẻ tự nhiên được. Sản phụ trước khi sinh nên cân bằng trạng thái tinh thần, chuẩn bị tâm lý thật tốt, tránh gào thét trong khi sinh…
Trước khi sinh tốt nhất các thai phụ nên tham gia các lớp học tiền sản để được trang bị những kiến thức về quá trình sinh đẻ và chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau khi sinh, đồng thời được thực hành rặn đẻ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở tự nhiên.
Làm gì để cuộc đẻ dễ dàng hơn
Cần có tâm trạng tốt
Quan niệm trước đây cho rằng, khó sinh hay chảy máu quá nhiều khi sinh đều có nguyên nhân từ những yếu tố như đường sinh sản khác thường, ngôi thai không chuẩn, thai nhi dị thường, nước ối quá nhiều, nhau thai khác thường… Nhưng hiện nay, các nhà y học phát hiện ra rằng, mọi tâm trạng không tốt của phụ nữ mang thai cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó sinh.
Rất nhiều thai phụ do sinh lần đầu nên thiếu hiểu biết đối với việc sinh đẻ, cho rằng: sinh đẻ phát sinh cơn đau dữ dội, cũng có người lo lắng quá về vấn đề sức khoẻ và giới tính của thai nhi… Do đó, khi sinh thường có những tâm trạng không tốt như căng thẳng, lo lắng, bất an, hoảng sợ, u uất, nôn nóng… Những tâm trạng không tốt này có thể gây ức chế việc co rút cổ tử cung, thông qua hệ thống của thần kinh trung ương, dẫn đến cổ tử cung co bóp không có lực, cổ tử cung không mở…
Những tâm trạng không tốt trong quá trình sinh còn có thể gây ra quá trình bài tiết hormon ở vùng dưới đồi và tuyến yên có những thay đổi khác thường cũng là nguyên nhân làm yếu sức co bóp của tử cung, làm cho quá trình sinh kéo dài hay tăng lượng xuất huyết sau khi sinh. Ngoài ra, tinh thần quá căng thẳng của thai phụ sẽ làm cho vỏ não mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình co bóp của tử cung. Lâm sàng phát hiện, đối với việc khó sinh hay xuất huyết quá nhiều sau khi sinh do những tâm trạng không tốt, nếu không xử lí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Để tránh phát sinh những tâm trạng nêu trên, thai phụ nên nắm những kiến thức cần thiết trước khi sinh, xoá bỏ những lo lắng không cần thiết, cố gắng kiểm soát tâm trạng của bản thân. Các chuyên gia y học nhấn mạnh rằng, sản phụ khi chuyển dạ không sợ hãi, không lo lắng, duy trì được tâm trạng vui vẻ, thoải mái sẽ rất có lợi cho việc chào đời thuận lợi của thai nhi và quá trình hồi phục tử cung sau sinh.
Hạn chế la hét khi chuyển dạ
Khi một số sản phụ trong phòng sinh chuyển dạ, không thể chịu đựng được cơn đau do quá trình co bóp tử cung thì la to, hét lớn. Các thai phụ mong lấy việc la hét để giảm nhẹ cơn đau. Việc la hét liên tục này sẽ làm cho cơ thể và tinh thần thai phụ ở vào trạng thái căng thẳng cao độ trong thời gian dài và chỉ có hại chứ không có lợi đối với việc sinh đẻ.
– Một số sản phụ khi sinh thông qua việc la hét quá mức, hy vọng thu hút được sự quan tâm và yêu thương của chồng. Từ đó, nhận được càng nhiều sự đồng tình và lo lắng của người nhà.
– Sản phụ la hét chỉ làm tiêu hao năng lượng sức lực, cũng ảnh hưởng đến việc dùng lực bình thường khi sinh, gây kéo dài quá trình sinh.
– Sản phụ khi la hét, khóc thường nuốt một lượng không khí lớn, dẫn đến ruột bị đầy hơi. Việc la hét sẽ ảnh hưởng chức năng của dạ dày và ruột đến nỗi không thể ăn uống bình thường, kèm theo nôn mửa, khó tiểu tiện. Điều này ảnh hưởng đến tính nhịp nhàng của quá trình co bóp cổ tử cung.
– Khóc lóc liên tục dễ làm cho tử cung co bóp thiếu lực, cổ tử cung không thể mở rộng, gây nên hiện tượng đình trệ trong quá trình sinh sản. Có thể thai nhi sẽ bị xoay chuyển, dẫn đến khó sinh.
– La hét, khóc là thái độ không tốt, để lại ấn tượng xấu đối với người khác. Nó làm người khác căng thẳng, không biết phải xử trí như thế nào, khó phối hợp với những điều phục vụ cần thiết mà nhân viên khoa sản đưa ra.
– La hét quá độ làm cản trở công việc bình thường của nhân viên y tế, ảnh hưởng đến các sản phụ khác đang chờ sinh làm cho họ căng thẳng tinh thần.
– La hét không làm giảm nhẹ cơn đau, ngược lại sẽ làm tinh thần căng thẳng, tăng sự nhạy cảm đối với cơn đau, tiêu hao sức lực, làm cho cảm giác đau đớn tăng chứ không giảm.
Thai phụ khi chuyển dạ, trước hết phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng cơn đau do co bóp tử cung, nên tự điều chỉnh tâm lí, tinh thần thư giãn, không nên sợ đau. Bởi vì lo sợ không làm giảm nhẹ cơn đau, ngược lại càng sợ đau thì càng đau. Các thai phụ nên tăng cường phối hợp giữa thả lỏng cơ thể và điều tiết hô hấp. Sản phụ phối hợp tốt với sự chỉ dẫn của bác sĩ mới đảm bảo tiến triển thuận lợi trong quá trình sinh đẻ.
Khi sinh nên có chồng bên cạnh
Nghiên cứu cho thấy, sự có mặt của người chồng bên cạnh khi sinh sẽ giúp người vợ những việc như sau:
– Có thể rút ngắn quá trình sinh đẻ, làm cho việc sinh đẻ của người vợ thuận lợi hơn. Người chồng có thể dựa theo những chỉ dẫn của nhân viên trợ sản để động viên giúp đỡ người vợ tập những bài thể dục trước khi sinh. Các động tác cụ thể mà sản phụ cần phải phối hợp chặt chẽ khi sinh. Khi người chồng đảm nhận việc chỉ dẫn này sẽ giúp người vợ thực hiện sinh đẻ tốt mà không rụt rè, đồng thời có thể thực hiện thành thục.
– Người chồng bên cạnh vợ khi chuyển dạ có thể giảm bớt tỷ lệ phát chứng co giật một cách rõ rệt. Vì chứng co giật là bệnh thường phát trong thời kì chuyển dạ của thai phụ. Biểu hiện chủ yếu là căng thẳng thần kinh, huyết áp tăng cao, phù nghiêm trọng. Nguyên nhân phát bệnh chủ yếu đó là do thai phụ lo lắng, hoảng sợ về mặt tư tưởng, quá căng thẳng về mặt tinh thần. Nếu có chồng bên cạnh sản phụ sẽ cảm thấy yên tâm, tin tưởng và tập trung hơn cho cuộc vượt cạn của mình.
– Người chồng có thể làm người phụ tá tốt nhất cho nhân viên trợ sản. Khi vợ sinh, người chồng ở bên cạnh, giúp sản phụ lau mồ hôi, chăm sóc, an ủi, khuyên nhủ, có lợi trong việc phòng tránh những cơn la hét và những động tác mù quáng cho thai phụ. Việc này sẽ giúp thai phụ tránh tiêu hao thể lực một cách vô ích, tránh dẫn đến co bóp tử cung.
– Người chồng bên cạnh khi chuyển dạ sẽ làm tăng thêm tình cảm vợ chồng, làm cho người chồng càng thương vợ hơn và người vợ tin tưởng chồng hơn.
Những người đàn ông sắp được làm cha, nên xoá bỏ những thành kiến, học một số kiến thức vệ sinh có liên quan đến việc hộ lí thai phụ để giúp người vợ chuyển dạ thuận lợi hơn.