Trong hành trình mang thai của mình, mẹ có thể gặp khá nhiều điều bất thường như những cơn đau bụng đột ngột và dữ dội, chảy máu, buồn nôn, ảo giác,… hay bỗng nhiên bị hoa mắt chóng mặt,… Những lúc ấy, mẹ sẽ cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi vô cùng vì không biết bé yêu trong bụng có đang ổn hay không? Chẳng phải lúc nào mẹ cũng có thể lập tức đến bệnh viện được, và sự thật là không phải triệu chứng nào trong số đó cũng gây nguy hiểm. Thế nhưng sức khỏe của bé luôn là điều quan trọng nhất. Vậy làm sao mẹ biết được khi nào thì mình cần đến bệnh viện?
Hãy check trong số những triệu chứng bắt buộc phải tới bệnh viện dưới đây, mẹ sẽ phần nào nắm được mình cần phải làm gì để đảm bảo bé yêu an toàn và chào đời thuận lợi nhé!
– Em bé bỗng chuyển động hoặc đá ít hơn bình thường – điều này có thể báo hiệu bé yêu đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, trong trường hợp mẹ thấy bé ngừng hẳn chuyển động thì cần lập tức tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
– Đau bụng dữ dội hoặc dai dẳng.
– Xuất huyết âm đạo hoặc có đốm máu trên đáy quần.
– Sự gia tăng của dịch tiết âm đạo hoặc dịch âm đạo bất thường (có máu, lỏng hơn, có màng nhầy, lẫn mủ,…
Bất cứ khi nào cảm thấy không ổn, bà bầu đều nên gọi cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất. (Ảnh minh họa)
– Áp lực lớn ở vùng chậu (cảm giác rằng em bé được đẩy xuống), đau buốt lưng dưới (đặc biệt nếu đó là một dấu hiệu mới xuất hiện của mẹ), cơn đau bụng như khi có kinh nguyệt kèm chuột rút, có nhiều hơn 4 lần co bóp dạ con trong một giờ (dù không đau) trước tuần thai thứ 37.
– Đi tiểu quá nhiều hoặc quá ít (thậm chí là không đi tiểu).
– Nôn mửa dữ dội hoặc dai dẳng, nôn mửa kèm theo các cơn đau hoặc sốt.
– Ớn lạnh hoặc sốt cao hơn 37 độ C.
– Rối loạn thị giác như nhìn thấy ảo ảnh, mắt bị mờ hay giống như nhìn vào đèn nhấp nháy hoặc xuất hiện các đốm trong tầm nhìn của mẹ.
– Nhức đầu nặng kéo dài hoặc kèm các triệu chứng bất kỳ như mờ mắt, nói lắp,…
– Bất kỳ các triệu chứng như sưng mặt hoặc bọng quanh mắt, phù tay, chân, mắt cá chân đột ngột nhiều hơn bình thường, tăng cân nhanh chóng (hơn 1,8 kg trong một tuần).
– Chân và bắp chân bị chuột rút hay đau dai dẳng. Chân này sưng phù nhiều hơn chân kia, khó cử động cổ chân và trỏ ngón chân về phía mũi của mẹ.
– Chấn thương bụng (ngã hoặc một tai nạn xe).
– Ngất xỉu, chóng mặt thường xuyên và tim đập nhanh.
– Khó thở, ho ra máu, đau ngực.
– Táo bón nặng kèm theo đau bụng hoặc tiêu chảy nặng kéo dài hơn 24 giờ.
– Ngứa liên tục và kéo dài ở khắp người, cánh tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
– Tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các triệu chứng của bệnh này như sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, thậm chí cả buồn nôn và tiêu chảy.
– Khó thở và thở gấp, đau ngực hoặc đau bụng, chóng mặt đột ngột, nôn mửa nặng hay kéo dài, giảm chuyển động của thai nhi, hoặc nếu mẹ bị sốt cao mặc dù đã dùng acetaminophen.
– Tiếp xúc với nguồn bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, rubella. Nếu mẹ không được miễn dịch hoặc đang có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, hãy gọi bác sĩ để được tư vấn, đừng nên đến bệnh viện ngay khi chưa có cuộc hẹn từ bác sĩ.
– Trầm cảm hoặc lo âu nặng. Nếu mẹ cảm thấy một nỗi buồn, thất vọng sâu sắc, sự hoảng loạn hay đang có những suy nghĩ hại chính bản thân mình mà không thể giải quyết được, hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức.
– Ngoài ra, trong bất cứ trường hợp nào khác mà mẹ bầu cảm thấy sức khỏe của mình có vấn đề, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn xem có cần nhập viện để theo dõi và điều trị không.